Lợi dụng giao thương để buôn lậu
Bùng nổ nghề kinh doanh của các "haiwai daigou"
Theo CNN, tại Trung Quốc hiện đang xuất hiện một trào lưu kinh doanh mới, được dư luận đặt tên là “haiwai daigou”, ám chỉ những người đi gom hàng cao cấp, xa xỉ ở nước ngoài hay còn gọi là hàng hiệu, hàng xách tay, nhất là giới trẻ du học mang về nước bán lại kiếm lời.
Mua hàng xa xỉ trên mạng điện toán ở Trung Quốc
Không giống như những sinh viên nước ngoài ở New York, nữ sinh Zhang Yuzhu không đi làm thêm mà dành thời gian rảnh rỗi lang thang tại các cửa hàng bách hóa, cửa hàng miễn thuế để mua hàng hóa theo mục tiêu. Đã có lúc Zhang chi tới 45.000 USD để mua một chiếc túi xách Birkin của hãng Hermes, lôgô đẳng cấp hay còn gọi là túi xách "chén thánh".
Thực ra, Zhang không hề mua cho bản thân mà mang về nước để bán kiếm lời và hiện đang là thành viên mẫn cán của đội quân "haiwai daigou", một nghề "hot" của giới sinh viên, nghề được ví như "một vốn vạn lợi". Zhang Yuzhu tiết lộ, mỗi sản phẩm có thể kiếm lời từ 200-300 USD, như túi xách của Chanel, nếu là lôgô nổi tiếng như túi của Hermes có thể thu lãi gấp đôi.
Những món hàng do các "haiwai daigou" chuyển về nước bán chạy như tôm tươi, bởi người dùng mua được giá rẻ, hàng tốt, không phải trả thuế. Và thực tế, giá của nhóm hàng này tại Mỹ thấp hơn 30% so với ở thị trường nội địa Trung Quốc.
Để tiêu thụ được hàng, Zhang đã tìm kiếm khách thông qua các mạng xã hội ở trong nước như WeChat hay Weibo. Mỗi tháng một lần, Zhang lên mạng quảng cáo sản phẩm, sau đó khách đồng ý mua, mới tiến hành chuyển khoản qua ngân hàng, kèm theo cả tiền hoa hồng. Và cũng như những người chào hàng khác, đôi khi, Zhang cũng giảm giá, hay mua ở những nơi được miễn thuế và mua hàng theo đơn đặt hàng của khách trong nước gửi sang, nên có lô giao dịch lên tới 50 món khác nhau.
Theo thống kê của Công ty tư vấn tiêu dùng Bain & Company, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hiệu xa xỉ lớn nhất hành tinh, thị phần lên tới 29%. Đặc biệt, nhu cầu nhóm hàng cao cấp của người Trung Quốc tăng nhanh, đa phần là do du khách và đội ngũ “haiwai daigou” cung ứng. Theo CNN, rất nhiều thanh niên Trung Quốc sống và học tập tại các thành phố lớn của các quốc gia phát triển như New York, London, Paris hay Tokyo đã khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh hàng hiệu, tạo ra một mô hình “thương mại song song” hết sức mới mẻ và phong phú.
Một “haiwai daigou” khác khá nổi tiếng được CNN nhắc đến đó là thanh niên họ Li sống tại Paris, Pháp. Người đã kiếm được hơn 6.000 USD/tháng nhờ kinh doanh "thương mại song song" nói trên. Theo đó, sau khi tốt nghiệp và cầm trong tay tấm bằng MBA, Li chưa vội đi tìm việc mà đầu quân cho các binh đoàn “haiwai daigou”, công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập lại cao.
Tuy nhiên, Li cũng thừa nhận, nghề này không "bền vững", kể cả khi đã trở thành khách VIP, bởi chính các cửa hàng cung ứng sẽ không áp dụng chính sách giảm giá. Và quan trọng hơn, tại chính quốc, chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra áp dụng chiến dịch chống tham nhũng triệt để nên doanh số hàng xa xỉ chậm lại. Vả lại, phần lớn người tiêu dùng mua các sản phẩm đắt tiền là để làm quà biếu mang tính trục lợi.
Mua sắm hay buôn lậu?
Theo các chuyên gia kinh tế, chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng được xem là "cú đấm xé toạc" vào nhiều lĩnh vực kinh doanh "chộp giật", phi pháp, trong đó có việc làm ăn của đội quân “haiwai daigou”, thị trường béo bở mà người ta dự báo có thể tăng trưởng lên tới 100 tỷ NDT (16,23 tỷ USD) ngay trong năm 2014 này. Tuy nhiên, nó lại mở ra những triển vọng cho các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến hợp pháp khác, ví dụ như Tmall Global, sàn giao dịch thương mại điện tử chính thống, trực thuộc Tập đoàn Alibaba.
Theo ông Erwan Rambourg, tác giả nghiên cứu mang tên Triều đại hoàng kim: Vì sao sự thống trị của người tiêu dùng Trung Quốc mới chỉ bắt đầu, thì người Trung Quốc vẫn là khách hàng tiêu thụ sản phẩm nước ngoài tiềm năng nhất. Dự kiến đến năm 2020, mỗi người dân Trung Quốc sẽ mua từ 1-2 sản phẩm sản xuất ở nước ngoài. Và, hàng xa xỉ giúp người Trung Quốc hòa nhập với cộng đồng và giúp họ trở thành người tiêu dùng thông thái, chuyên nghiệp hơn.
Riêng hàng hiệu được coi là xem biểu hiện của đẳng cấp và địa vị tại quốc gia hơn tỷ dân này. Ban đầu, người ta cứ tưởng đây là thứ xa xỉ, xách tay "vớ vẩn" hay làm quà biếu, không đáng là bao nhưng quả thực số tiền giao dịch không hề nhỏ, nếu không thể kiểm soát sẽ làm cho nhà nước thất thu một khoản tiền thuế khổng lồ.
Để đưa các hoạt động kinh doanh này vào khuôn phép, kể từ tháng 8/2014, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành quy định bắt buộc. Theo đó, mọi cá nhân tham gia kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới phải cung cấp cho hải quan danh sách sản phẩm xuất nhập khẩu. Những cá nhân, doanh nghiệp không chấp hành bị xem là phạm pháp, buôn lậu và bị truy tố.
Theo ông Lu Zhenwang, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn thương mại điện tử Wanqing (EWC) có trụ sở tại Thượng Hải, mặc dù có quy định song rất nhiều người chưa thể từ bỏ nghề hấp dẫn này được, bởi cầu đang lớn hơn cung. Vì vậy, những người như Zhang hay Li vẫn chưa có ý định bỏ ngay, vẫn muốn tiếp tục mạo hiểm, bởi miếng bánh "daigou" quá hấp dẫn, hơn nữa nó lại thuộc dạng giao dịch, kinh doanh hợp pháp.
Khắc Nam