Báo cáo của Citi: Việt Nam và Ấn Độ hưởng lợi nhiều nhất từ dịch chuyển chuỗi cung ứng
Nhiều yếu tố khác nhau dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa, mở ra cơ hội lớn cho một số nền kinh tế tại Mỹ Latinh và châu Á giành thêm thị phần. Ngoài xu hướng chuyển dịch sản xuất quy mô lớn, một thay đổi quan trọng khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.
Những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra nhanh tại một nước ASEAN và Ấn Độ. Thành công của ASEAN trong việc thu hút chuỗi cung ứng bắt nguồn từ nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, với một hệ sinh thái sản xuất sâu rộng đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ, đặc biệt trong ngành điện tử. ASEAN cũng đã tiến hành các cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi tài khóa và giảm thuế.
Báo cáo mới nhất của Citi cung cấp phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia toàn cầu của ngân hàng, về cách thức dịch chuyển mang tính căn bản hiện nay của thương mại quốc tế, đồng thời đưa ra những bằng chứng về sự thay đổi nhanh chóng trong trật tự thế giới.
Sự thay đổi lớn nhất trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Á là FDI vào Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới FDI vào ASEAN và Ấn Độ kể từ cuối năm 2023. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2021, FDI vào Trung Quốc cao gấp 4 lần ASEAN (không bao gồm Singapore) và gấp 5 lần Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nửa đầu năm 2024, con số này đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 1/4 so với ASEAN và chỉ bằng một nửa của Ấn Độ.
Việt Nam giành được thị phần lớn trong các dự án chuyển dịch sản xuất được ghi nhận. Dịch chuyển chuỗi cung ứng đã giúp phần còn lại của châu Á gia tăng thị phần xuất khẩu toàn cầu từ năm 2018, đặc biệt trong ngành điện tử. ASEAN ghi nhận mức tăng thị phần rõ rệt tại thị trường nhập khẩu của Mỹ trong lĩnh vực máy tính và điện tử, nơi thị phần của Trung Quốc đã giảm 24% kể từ đầu năm 2019, trong khi thị phần của Việt Nam tăng 8% cùng kỳ. Việt Nam cho thấy sự năng động đặc biệt. Khoảng 37% các hoạt động chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc kể từ năm 2018 đã chuyển đến Việt Nam, dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ấn Độ và Việt Nam có cấu trúc công nghiệp tương đối đồng nhất, vì vậy có thể hưởng lợi nhiều nhất từ các thay đổi trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhìn chung, Trung Quốc có khả năng duy trì vị thế trong ngắn hạn đối với các sản phẩm mà nước này chiếm thị phần áp đảo trên 70%.
"Với mạng lưới toàn cầu rộng lớn, danh mục sản phẩm tài chính và giải pháp ngân hàng điện tử đa dạng, Citi đóng vai trò cầu nối toàn diện, cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam trong các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và thanh toán nội địa của họ. Khi chuỗi cung ứng tiếp tục thay đổi, Citi sẽ tiếp tục hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp của mình tăng cường năng lực hồi phục tại Việt Nam, ASEAN và xa hơn nữa", ông Ramachandran A.S., Tổng giám đốc Citi Việt Nam cho biết.