Lợi ích từ hỗ trợ chuỗi cung ứng phát triển bền vững
Theo kết quả khảo sát của HSBC “Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp”, thực hiện với 8.500 công ty tại 34 thị trường, các doanh nghiệp đang có xu hướng thực hiện các thay đổi mang tính bền vững đối với các chuỗi cung ứng của họ nhằm nâng cao kết quả kinh doanh.
Ở góc độ toàn cầu, khoảng một phần ba (31%) doanh nghiệp trên toàn thế giới có kế hoạch thực hiện những thay đổi mang tính bền vững đối với các chuỗi cung ứng của mình trong vòng ba năm tới. Đối với những doanh nghiệp thực hiện những thay đổi này, hiệu quả chi phí (84%) và nâng cao doanh thu và kết quả kinh doanh (cùng 84%) là những động lực chính dẫn đến sự thay đổi.
Xu hướng này xuất hiện khi các doanh nghiệp đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía khách hàng buộc họ phải minh bạch và bền vững hơn về nguồn cung của mình. Với khoảng 80% những tác động về mặt môi trường của một doanh nghiệp nằm ở chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó, những chỉ số ‘xanh’ của các nhà cung cấp và đối tác chiến lược là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến danh tiếng và hoạt động của một doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, trên toàn thế giới, sự minh bạch được hơn một phần tư (26%) doanh nghiệp đánh giá là tiêu chuẩn chính khi họ tìm kiếm nhà cung cấp mới, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng muốn biết các sản phẩm họ mua đến từ đầu cũng như các yếu tố liên quan đến con người, loài vật và môi trường được sử dụng như thế nào trong suốt quá trình sản xuất.
Thêm vào đó, các nhà điều hành chính sách và các nhà đầu tư đang đặt nhiều áp lực lên các doanh nghiệp buộc họ công khai các thông lệ mang tính bền vững của doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao 85% doanh nghiệp muốn đạt được một tiêu chuẩn bền vững được ghi nhận trong ngành hoặc trên thị trường.
Các doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi, như Việt Nam, cũng đang nỗ lực nâng cao các chuẩn mực về đạo đức và môi trường. Hơn một phần năm (21%) doanh nghiệp có trụ sở đặt tại các thị trường mới nổi có kế hoạch cải thiện điều này trong vòng hai năm tới, so với 15% các doanh nghiệp tại các thị trường phát triển.
Tại Việt Nam, yếu tố phát triển bền vững về mặt môi trường và đạo đức được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đánh giá rất quan trọng. Khoảng 90% các doanh nghiệp cho biết họ thực hiện kiểm soát các chuỗi cung ứng của mình dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và môi trường. Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia khảo sát (9%) cho rằng tính bền vững của chuỗi cung ứng không phải là trọng tâm của doanh nghiệp.
Đối với cả hai nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thực hiện những thay đổi liên quan đến bền vững và đạo đức chủ yếu để nâng cao lợi nhuận và kết quả hoạt động kinh doanh (96% doanh nghiệp sản xuất, 100% doanh nghiệp dịch vụ), kế đến là nhằm mang lại hiệu quả về mặt chi phí (94% đối với cả hai nhóm doanh nghiệp).
“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hòa nhập vào hệ sinh thái các chuỗi cung ứng quốc tế. Đế phát triển trong môi trường mang tính cạnh tranh cao này, các doanh nghiệp hiện đang hiểu được tầm quan trọng của việc đặt các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp vào trọng tâm hoạt động của mình”, Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết,
Đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, khi được hỏi về những thay đổi chính mà doanh nghiệp sẽ thực hiện liên quan đến chuỗi cung ứng trong vòng ba năm tới, gần một nửa (46%) doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường mới, và khoảng một phần ba (32%) doanh nghiệp có kế hoạch chọn nhà cung cấp dựa trên các thông lệ phát triển bền vững của họ. Phững thay đổi liên quan đến chuỗi cung ứng chủ yếu được thực hiện nhằm nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp (79%).
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ cũng có cùng mục tiêu với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Hơn ba phần tư (77%) doanh nghiệp hy vọng có thể tăng lợi nhuận thông qua những thay đổi thực hiện đối với các chuỗi cung ứng, với các chiến lược chính bao gồm mở rộng hoạt động ra thị trường mới (38%) cũng như tăng cường sử dụng công nghệ số (31%).
Quá trình chuyển đổi vì một tương lai bền vững hơn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, và ngân hàng cũng đóng một vai trò nhất định trong đó. HSBC với mạng lưới toàn cầu, chuyên môn về tài chính, các giải pháp và sự kết nối toàn cầu có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các bước cần thiết để tăng tính bền vững và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.