Lợi nhuận ngân hàng 2017: Thận trọng không thừa
Hàng loạt ngân hàng thương mại sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trong tháng 4 với một trong những nội dung quan trọng là kế hoạch kinh doanh 2017, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận. Thông thường, các ngân hàng đều dự kiến trình lên ĐHCĐ mức lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với năm trước.
Một trong những trọng tâm của ĐHCĐ các ngân hàng tháng 4 là thông qua kế hoạch kinh doanh 2017 |
Trong số đó có không ít ngân hàng tỏ ra khá thận trọng trong việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận, đặc biệt là những ngân hàng lớn. Chẳng hạn như Vietcombank, năm 2016 ngân hàng đạt gần 8.237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 23,8% so với năm trước. Thế nhưng, tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2017, đại diện Vietcombank cho biết dự kiến lợi nhuận ngân hàng năm 2017 chỉ tăng 12% lên mức 9.200 tỷ đồng.
Hay như Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc cũng đã từng trao đổi với báo giới, năm 2017 ngân hàng chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10%.
Mặc dù vậy, nhìn chung các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thuộc khối cố phần đều tỏ ra khá lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay và đạt ra mục tiêu lợi nhuận khá cao. Đơn cử như Techcombank, năm ngoái ngân hàng này đạt 3.997 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 96,2% so với năm 2015. Thế nhưng năm nay, Techcombank đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.020 tỷ đồng, tăng 26%.
Với VPBank, năm ngoái lợi nhuận trước thuế tăng tới 59% đạt 4.929 tỷ đồng và năm nay ngân hàng đăt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng gần 38%. MB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 dự kiến 4.700 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.
Các ngân hàng bậc trung cũng không hề kém cạnh khi đặt mục tiêu lợi nhuận khá cao. HDBank đặt mục tiêu đạt 1.643 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, tăng 28%...
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh Quý II/2017 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) mới công bố, các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2016.
Trong đó có 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống TCTD kỳ vọng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các TCTD tại cuộc điều tra tháng 12/2016. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí dịch vụ, hoạt động tự doanh đều kỳ vọng tăng trưởng khá.
Đồng tình với việc cơ hội bứt phá vẫn dành cho những ngân hàng đã xử lý tốt nợ xấu, triển vọng tăng trưởng cao. Nhưng một chuyên gia tài chính lại bày tỏ ý kiến “lạc quan phải có cơ sở, và thận trọng”. Theo đó, các ngân hàng dần phải cảm thấy cần đưa ra những kế hoạch thực tế hơn là cứ “vẽ cho đẹp, cho hồng”, để đôi khi rơi vào trường hợp phải tìm mọi cách để đạt được mục tiêu. Những chuyện từ vốn ảo, tài sản ảo, tín dụng ảo... chắc chắn sẽ không mang lợi ích lâu dài cho ngân hàng”, ông nhấn mạnh.
Cũng có chung quan điểm như vậy, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng: hai năm trở lại đây các nhà băng (kể cả quy mô lớn hay nhỏ) đều có sự tính toán chặt chẽ hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận. “Bởi nếu đưa ra một con số lợi nhuận quá cao, khi thực tế có thể thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra thì Ban lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Đó là con dao hai lưỡi, muốn có sự tăng trưởng vượt bậc thì phải đưa ra một kế hoạch tạo nên sự phấn khởi. Song mơ cao, thì ngã đau, “gậy ông sẽ đập lưng ông”, vị này chia sẻ.
Giới chuyên gia đều nhận định, năm 2017 là một năm rất khó khăn và nhiều thử thách với nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng không dễ dàng, nguy cơ lạm phát tăng nên việc giữ chi phí vốn ở mức thấp là vô cùng nan giải. Trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được siết lại kể từ đầu năm nay cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vốn của các ngân hàng.
Đặc biệt, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn và quy mô vẫn tăng cùng với đà tăng trưởng của tín dụng. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Nếu nợ xấu không được xử lý quyết liệt thì trích lập dự phòng sẽ còn tăng cao, lợi nhuận khó mà triển vọng.
Trong khi đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) có xu hướng co lại khi mặt bằng lãi suất huy đông đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh lạm phát tăng cao và các ngân hàng đang phải đẩy mạnh huy động nguốn vốn trung - dài hạn để đáp ứng quy định.
"Lựa cơm gắp mắm", đó là khuyến nghị của không ít chuyên gia về mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều bất định, đặc biệt tình hình kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thay đổi tư duy lợi nhuận, đừng qus trông chờ vào tín dụng. “Ngân hàng cần đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ - mảnh đất có rủi ro thấp. Chìa khoá để phát triển lĩnh vực này nằm ở nhân sự, công nghệ thông tin và sản phẩm phù hợp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo NHNN Việt Nam, tính tới ngày 23/3/2017, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (1,79%). Con số này cao hơn so với mức Tổng Cục Thống kê công bố trước đó (2,8%) - mức tăng mà Tổng cục Thống kê cho là cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. |