Luật hỗ trợ DNNVV: Thừa còn hơn thiếu
Cho rằng cần thiết phải có thêm Luật để “tiếp sức” cho DNNVV, Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư VNC cho rằng, nguyên nhân chính khiến các DNNVV hiện không thể lớn lên được, mà lại còn teo tóp đi, là do trong một thời gian dài, nhà nước ưu đãi cho các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
“Chính vì vậy, việc ban hành một đạo luật về hỗ trợ các DNNVV là tối cần thiết, tuy hơi muộn màng so với tiến trình hội nhập, nhưng muộn còn hơn không” Luật sư Sơn nói tại hội thảo “Hiến kế xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV” lần đầu tiên tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ban hành một luật mới với tên gọi có nội hàm “hỗ trợ” có vẻ không ổn, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đã tham gia WTO, ký kết FTA Việt Nam – EU, sắp tới TPP có hiệu lực… trong đó các Hiệp định thương mại tự do đều hàm chứa chế tài rằng, nếu Nhà nước hỗ trợ cho các DN sai luật, thì chúng ta sẽ bị phạt “thẻ đỏ” trên thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, các DN xuất khẩu cá tra, thép… đã bị phạt, và hiện vẫn đang bị treo gây thiệt hại không nhỏ cho các DN.
Chính vì lẽ đó, các luật sư khi “hiến kế” cho Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đều có chung quan điểm rằng, tiêu chí điều chỉnh trong luật này chính xác bao nhiêu thì luật sẽ phát huy hiệu lực của nó bấy nhiêu. Ngược lại, nếu không đưa ra được các tiêu chí điều chỉnh một cách chính xác, chúng ta sẽ ra luật chỉ là để ra luật, tức là chỉ có thêm bộ luật làm đẹp cho hành lang pháp lý mà thôi.
Khi nghiên cứu các Luật Hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Trung tâm SME VCCI HCM cho hay, tại Nhật Bản, năm 1963 họ đã có Luật cơ bản về DNNVV; đến năm 1999 họ có Luật DNNVV, nhưng đến 2006 họ ra một luật mới rất chi tiết: Luật nâng cao năng lực sản xuất DNNVV - tức là nêu cụ thể hơn, giúp mọi người không bị nhầm lẫn hay có ý nghĩ nó bị trùng lắp so với luật DN đã có soạn thảo, cập nhật mới liên tục trước đó.
Cũng tại Nhật, đến khủng hoảng kinh tế 2007, 2008, họ lại có thêm Luật các biện pháp tạm thời nhằm tạo điều kiện tài chính cho DNNVV – ban hành năm 2009 và kết thúc vào năm 2012; sau đó, họ lại tiếp tục ra một Hiến chương DNNVV, ban hành ngày 8/6/2010.
“Ngay cả tên gọi hay là cách làm luật của người Nhật đều rất cụ thể. Đảm bảo hai yếu tố: Thể hiện rõ định hướng hỗ trợ và đảm bảo tính linh hoạt, cập nhật. Mình cũng nên học hỏi kinh nghiệm này”, ông Bình nói và cho rằng Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần nhắm tới việc làm sao tăng cường phát triển số lượng DNNVV; các chương trình khởi nghiệp quốc gia nên đưa vào luật để tăng về số lượng DN; tăng về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, về chất lượng DNNVV thì nên chú ý đến những yếu tố giúp DNNVV phát triển với chất lượng tốt nhất, quy định trong luật, ví dụ như tăng cường vai trò liên kết DN với các hiệp hội, ban ngành, các tổ chức hỗ trợ DNNVV… để tạo sức mạnh trong hội nhập, ông Bình nói thêm.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ làm Luật Hỗ trợ DNNVV, và đã đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, cục để triển khai xây dựng luật này.
“Lấy tên gọi là Luật Hỗ trợ, Luật Xúc tiến, hay Luật Phát triển DNNVV… chúng tôi đã nhận được vài trăm ý kiến về vấn đề tên gọi của luật này. Thay vì cãi nhau về nội hàm ấy, nên tập trung vào việc tìm ra các biện pháp để làm sao các DNNVV được lợi gì khi ban hành luật này”, ông Cương nhấn mạnh.