Maritimebank: Áp lực tăng trưởng tín dụng
Ngày 8/5/2012, ngày đầu tiên các NHTM áp dụng Thông tư số 14 của NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với phó tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Khối Quản lý Chiến lược ngân hàng TMCP Maritime Bank - Ông Trần Xuân Quảng.
Hôm nay (8/5) là ngày đầu tiên áp dụng Thông tư 14 của NHNN về trần lãi suất cho vay, cụ thể ở Maritime Bank đã áp dụng thế nào?
Chúng tôi đã chính thức áp dụng lãi suất cho vay theo quy định mới trên toàn hệ thống của Maritime Bank.
Trong 4 lĩnh vực mà NHNN đưa ra thì nó đã bao phủ rất rộng các đối tượng trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tình hình tài chính lành mạnh để cán bộ thẩm định của chúng tôi có thể kiểm tra thì hoàn có thể tiếp cận được với vốn vay tại ngân hàng Maritime Bank đúng như lãi suất mà NHNN quy định.
Bên cạnh 4 lĩnh vực quy định của NHNN thì chúng tôi có yêu cầu đó phải là những doanh nghiệp trong vòng 12 tháng qua không có nợ xấu, doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán, đạt tiêu chuẩn hệ thống đánh giá nội bộ của Maritime Bank.
Đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp này không?
Theo đánh giá của chúng tôi, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản hiện nay có quy mô đăng ký khá lớn không nằm trong đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vẫn nằm trong quy mô nhỏ và vừa, thuộc đối tượng ưu tiên như quy định của NHNN, hoạt động tốt, có vòng quay sử dụng vốn tốt thì chúng tôi vẫn xem xét cho vay bình thường.
Tính tổng thể thì sẽ có khoảng bao nhiêu phần trăm số doanh nghiệp sẽ đạt tiêu chí của Maritime Bank đề ra?
Chúng tôi dự tính sẽ có khoảng 8 – 10% lượng khách hàng doanh nghiệp sẽ đạt tiêu chí mà ngân hàng đề ra.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: Quy định về việc các doanh nghiệp không được có nợ xấu tại các ngân hàng sẽ là rào cản để các doanh nghiệp tiếp cận vốn?
Chúng tôi cũng đánh giá rất kỹ yếu tố này. Tuy nhiên, quy định mới của NHNN cho phép các doanh nghiệp gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ từ đó giúp cho những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt nhưng chỉ khó khăn tạm thời sẽ vẫn tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng.
Còn đối với những doanh nghiệp có tình hình tài chính không lành mạnh, sử dụng vốn không đúng mục đích thì việc không thể tiếp cận được với vốn ngân hàng lãi suất 15% cũng là điều dễ hiểu.
Ông có cho rằng, lãi suất nếu chỉ quy định hạ ở 4 lĩnh vực này có thể sẽ xuất hiện tình trạng một số ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho những lĩnh vực khác, có lãi suất cao hơn hay không?
Tôi không cho là như vậy. Trên thực tế, 4 lĩnh vực mà NHNN quy định đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Trong khi đó, theo quan sát của tôi, hiện nay hầu hết các ngân hàng thuộc nhóm I (được tăng trưởng tín dụng 17%) thanh khoản đang rất tốt và áp lực tăng trưởng tín dụng khá cao.
Giả sử, nếu các ngân hàng có cố tình “né” nhóm đối tượng khách hàng này cũng sẽ không được vì số lượng khách hàng còn rất ít và rủi ro.
Hoạt động tín dụng của ngân hàng là phát triển theo chiến lược lâu dài chứ không phải chạy theo giải pháp tình thế, từ đó hình thành lượng khách hàng ổn định cho trung và dài hạn.
Ông có nói về áp lực thừa vốn, vậy cụ thể ở Maritime Bank tình trạng này thế nào?
Theo định mức tín dụng mà NHNN cấp cho Maritime Bank trong năm 2012 là 17%, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay lượng vay ra của ngân hàng đạt không đáng kể. Tăng trưởng tín dụng gần như vẫn còn nguyên hạn mức. Áp lực kinh doanh để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra đối với các ngân hàng, trong đó có Maritime Bank là tương đối lớn.
Ngân hàng đang trong trạng thái “thừa tiền” còn doanh nghiệp luôn phản ánh rằng không thể tiếp cận được với vốn ngân hàng. Theo ông “nút thắt” ở đây là gì?
Vòng quay vốn hiện nay của doanh nghiệp cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp thường đưa vốn sang những lĩnh vực kinh doanh không đúng ngành, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa khi dòng tiền thuận lợi họ hay đưa vốn của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau (đơn cử như mua nhà); Hay hàng hóa bị tồn kho nhiều nên vòng quay luân chuyển vốn sẽ bị khó khăn; công nợ giữa các doanh nghiệp cũng là một trong các khó khăn... Đó chính là những nguyên nhân khiến ngân hàng khó có cơ sở để tài trợ.
Theo TTVN/Cafef