Miễn giảm thuế hỗ trợ gì cho DN trong nước?
Không cẩn thận sẽ “vỗ béo” DN ngoại
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tờ trình lần này của Chính phủ là rất hài hòa khi trình cả 2 dự án. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc trong sử dụng từ ngữ, bởi lẽ chúng ta đã đặt nặng quá nhiều về cân đối NSNN hơn là tính điều tiết vĩ mô, cũng như điều tiết khuynh hướng của người tiêu dùng.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), ông Ngân cho rằng, việc điều chỉnh giúp tăng thu NSNN không nhiều, nhưng lại là tín hiệu thể hiện rằng các sản phẩm độc hại sẽ được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn. Hơn thế, để tăng thu NSNN, theo ông, quan trọng nhất là ở khâu chống thất thu thuế. Mặc dù Chính phủ đã làm được rất nhiều nhưng hiện tượng buôn lậu, nhập lậu, hàng giả vẫn tràn lan, nhiều người bất chấp pháp luật, ngang nhiên chống người thi hành công vụ.
Chúng ta đã đặt nặng quá nhiều về cân đối NSNN hơn là tính điều tiết vĩ mô
“Vấn đề ở đây là phải có chính sách vừa có tính chất tăng thu NSNN nhưng động viên được bộ phận hành thu để họ thực hiện có hiệu quả ngăn chặn tình trạng buôn lậu hiện nay. Nhưng song song với đó, ngành thuế cũng cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo thu đúng, thu đủ”, ông Ngân nói.
Về bổ sung thuế ưu đãi DN với công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là bước tiến động viên kịp thời các DN. Tuy nhiên, ông lại rất lo ngại bởi trong thực tế, thế mạnh ngành công nghiệp chính đã là của DN FDI. Do vậy, quan tâm của ông là làm sao để chúng ta phát triển được CNHT của DN Việt Nam. Bởi nếu không khéo, tới đây công nghiệp chính cũng của FDI, CNHT cũng của FDI. “Cuối cùng mình không có gì hết. Đây mới là cái chúng ta cần quan tâm nhiều hơn chứ không chỉ thuần túy là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành CNHT, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm CNHT cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới. Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật và tránh tình trạng “luật khung, luật ống”, ông đề nghị quy định ngay trong luật Danh mục sản phẩm CNHT được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí: “sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật”.
Cần chính sách đột phá cho nông nghiệp
Đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về tiêu chí công nghệ. Theo đó, chỉ ưu đãi cho các dự án đáp ứng được tiêu chí về công nghệ theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học công nghệ mà tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) lại tỏ ra băn khoăn vì 12 nghìn tỷ đồng thì có thể định lượng được, còn về yêu cầu “có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội” lại khó định lượng. Ông đề nghị cần làm rõ khái niệm này để tránh hiểu lầm trong quá trình thực thi.
Các đại biểu khác thì cho rằng, việc áp dụng thuế suất và thời gian ưu đãi 30 năm đối với các dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư là quá dài, cần nghiên cứu thu hẹp thời gian ưu đãi. Đồng thời, bỏ tiêu chí đối với các dự án đặc biệt là “Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, trong nước chưa sản xuất được hoặc công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á”, vì có thể sẽ dẫn đến việc thu nhận các dự án có công nghệ lạc hậu mà các nước khác có nhu cầu thay thế chuyển về đầu tư ở Việt Nam, trong khi đây vẫn là công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được hoặc lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
Đại biểu Hòa cũng cho rằng các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ mạnh. Bởi với đề xuất của Chính phủ, nếu đầu tư vào nông nghiệp, mức ưu đãi mà DN được hưởng chỉ có chênh lệch 2%.
Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu khác cũng cho rằng, nếu chỉ chênh lệch 2% thì chưa đủ sức kích thích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã bão hòa theo chiều rộng, nếu không có đột phá, không có cú hích thì khó thoát khỏi tình trạng hiện nay. Chu kỳ đầu tư vào nông nghiệp là khá dài, thông thường phải 3-5 năm sau mới có khả năng mang lại lợi nhuận cho NĐT. Nếu chỉ giảm thuế 2% thì thực chất 3-5 năm sau Nhà nước cũng không thu được gì vì DN không phát sinh lợi nhuận, hiệu quả, có đặt ra thuế suất cũng vô dụng.
“Nếu chúng ta muốn tác động mạnh vào nông nghiệp thì nên mạnh dạn giảm mạnh thuế cho 5 năm đầu tiên để kích thích DN đầu tư. Mạnh dạn có chính sách mạnh hơn theo hướng ưu đãi thuế TNDN bằng 50% so với lĩnh vực thông thường khác trong 5 năm đầu tiên, tức là DN chỉ phải chịu thuế TNDN 11% thay vì 22% trong 5 năm đầu”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất.
Dương Công Chiến