Miễn trách nhiệm cho cán bộ tham gia cơ cấu lại TCTD: Cần thấu tình, đạt lý
Nên miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD kiểm soát đặc biệt | |
Hoàn thiện pháp lý, nâng cao an toàn hệ thống | |
Bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống |
Giới nghiên cứu kinh tế và dư luận trong tuần qua rất quan tâm tới phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ảnh minh họa |
Dự án luật này đã được Chính phủ trình ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 5/2017 cùng với dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu. Nhưng có lẽ do mới là lần thảo luận đầu nên tại kỳ họp đầu năm chưa được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” nhiều và cũng có thể thời điểm đó các đại biểu dành sự tập trung cao nhất để góp ý hoàn chỉnh và thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu – vấn đề được xem là cấp bách hơn để đánh tan “cục máu đông” trong nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trước khi đưa ra thảo luận ở kỳ họp Quốc hội tới đây cho thấy một sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, dự án Luật này có sứ mệnh lớn, trong đó có những nội dung được xem là khá nhạy cảm nên cần phải được bàn thảo thật kỹ, trên cả góc độ khoa học, cơ sở thực tiễn và phù hợp với pháp luật hiện hành.
Một nội dung khá nóng trong dự thảo Luật Các TCTD nằm ở Điều 147 về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 147). Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.
Thực tế, khi đưa cán bộ điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém thường phải chọn cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi nên việc “lấn cấn” trong “cân nhắc miễn trách nhiệm” sẽ khiến cán bộ e ngại và có thể trở thành vấn đề khó khăn khi triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Bởi theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu của NHNN, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý. Từ thực tế đó, không ít cán bộ rất lo lắng khi phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khi đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, khi tham gia vào tái cơ cấu OceanBank và GPBank, VietinBank đã đưa sang OceanBank gần 100 người, bên GPBank cũng khoảng 60-70 người và phải đưa những cán bộ rất tốt nhưng khi được phân công sang, anh em rất tâm tư.
Theo ông Thắng, khi sang các NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tất cả lương, cơ chế của cán bộ được điều chuyển bị cắt hết. “Các anh em bản thân không chỉ thiệt thòi mà còn rất tâm tư, liệu khi thực thi trách nhiệm của nhà nước, liệu mọi việc có vận hành ổn thỏa, liệu có bị xảy ra rủi ro”, Chủ tịch VietinBank tâm tư.
Vấn đề mà ông Thắng đề cập đến được nêu tại dự thảo Luật, Điều 147 là Miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của TCTD được NHNN chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt…
Tuy nhiên ông Thắng cũng nhìn nhận một cách khách quan rằng cần làm rõ hơn miễn trừ trong trường hợp nào, trường hợp nào phải chịu trách nhiệm. "Chúng ta không loại trừ chuyện khi sang với chức trách nhiệm vụ mà anh vận hành sai, cố tình làm sai, vi phạm pháp luật thì đây lại thuộc vấn đề trách nhiệm. Ở đây chỉ có miễn trừ trách nhiệm đối với việc có vực dậy, có đưa được NH này ra khỏi tình trạng khó khăn hay không".
Từ thực tiễn của hoạt động ngân hàng thời gian vừa qua, hy vọng Quốc hội sẽ có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng để dự án Luật Các TCTD được thấu tình, đạt lý.