Mô hình nào cho “siêu uỷ ban” quản lý vốn?
Quản lý vốn Nhà nước: Tránh leo phải cành cụt | |
Tăng cường công tác quản lý vốn Nhà nước |
Những điều kiện pháp lý cuối cùng cho sự ra đời của Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại DN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gấp rút hoàn thành và lấy ý kiến công luận trước khi trình Chính phủ. Chỉ trong thời gian ngắn, dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan này đã nhận được nhiều ý kiến cả đồng tình lẫn lo ngại. Đồng tình bởi việc quản lý khối tài sản khổng lồ của Nhà nước để tránh thất thoát, lãng phí là cần thiết và đã được đặt ra từ lâu. Song mô hình quản lý như thế nào để tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” mới là điều đáng bàn.
Mạnh tay để quy trách nhiệm rõ ràng
Dự kiến sẽ có 30 tập đoàn, tổng công ty thuộc 7 bộ, trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực, than - khoáng sản, hàng không, dệt may, hàng hải… với tổng tài sản vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, tương đương gần 1/2 GDP của Việt Nam, được chuyển giao cho Ủy ban.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện các bộ, ngành đang thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN nhưng không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả kinh doanh của DN đó.Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo cần thực hiện tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các DN. Sự ra đời của uỷ ban sẽ là bước cuối cùng, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN để chịu trách nhiệm về phần vốn này.
Sự ra đời của “siêu uỷ ban” tạo sức ép cho tiến trình thoái vốn Nhà nước |
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ sự ra đời của “siêu uỷ ban” quản lý vốn Nhà nước, bởi vấn đề tách cơ quan quản lý vốn ra khỏi bộ máy hành chính đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. “Cần nhìn lại xem ai đang chịu trách nhiệm đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên…?
Chẳng ai chịu cả!”, ông Kiên đặt vấn đề. Đó đều là các dự án khổng lồ được đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước, thậm chí từ cả vốn vay ODA, và đều bị thất thoát, lãng phí rất lớn. “Nguồn lực cứ bị thất thoát như vậy vì chưa có người chịu trách nhiệm. Từ trước đến nay chúng ta phân ra quá nhiều đầu mối chịu trách nhiệm nên khi xử lý là chúng ta bị vướng”, ông Kiên nhấn mạnh.
Chưa làm đừng vội bàn lùi
Thực tế là việc tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý vốn Nhà nước đã được đặt ra từ lâu, song tới nay thực hiện vẫn rất chậm chạp. TS. Nguyễn Đức Kiên lý giải, đó là do về bản chất vẫn còn chế độ bộ chủ quản, thể hiện ở Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Nghị định 99 quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ với đại diện chủ sở hữu vốn tại DN, khiến nhiều bộ, ngành vin vào đó để “giữ chặt” phần vốn Nhà nước.
Chỉ đến năm 2015 khi ban hành Luật Quản lý và xử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mới quy định rõ ràng là có một cơ quan quản lý vốn. Vì vậy, sự ra đời của “siêu uỷ ban” sẽ tạo sức ép cho tiến trình này.
TS. Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng, sau khi ra đời, cơ quan này sẽ tiến hành cổ phần hoá, xã hội hoá dần hoạt động kinh doanh của các DN chịu quản lý. “Nói cụ thể là chúng ta tập trung tiến hành bán vốn Nhà nước ở các DN để hút nguồn vốn về và nhường phần công việc đó cho các NĐT trong xã hội”, ông Kiên đề xuất.
Như vậy, sẽ thực hiện được 2 mục tiêu: hút vốn về đầu tư các công trình trọng điểm khác, không làm tăng nợ công mà vẫn giữ được tổng tài sản của Nhà nước; đồng thời huy động được nguồn lực nhàn rỗi của xã hội vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Nhà nước không cần phải trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, vẫn có không ít nghi ngại về hiệu quả của mô hình này. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhìn nhận, lo ngại lớn nhất hiện nay là bộ máy vận hành của cơ quan này. Bởi theo dự thảo Nghị định, quyền và trách nhiệm của cơ quan này mới chỉ mang tính nội bộ, thiếu cơ chế giải trình độc lập và yêu cầu minh bạch hóa.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn đặt vấn đề: Nếu thành viên của uỷ ban tiếp tục là những đại diện từ các bộ, ngành thì chỉ là “bình mới, rượu cũ”, và sẽ khó đẩy nhanh tiến trình thoái vốn Nhà nước. Nếu là những người mới thì trong hệ thống hiện nay liệu có đủ người có năng lực và có dám trao cho những người này đầy đủ thẩm quyền để quản lý hay không? Còn nếu dùng người bên ngoài thì cơ chế lại chưa cho phép. Chưa kể, trước mắt bộ máy quản lý Nhà nước tiếp tục còn phình to ra, ngân sách tiếp tục gồng gánh cho đơn vị mới này trong khi Chính phủ lại muốn tinh giản bộ máy.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ, với những kỳ vọng của ông thì mục đích hoạt động của uỷ ban này theo dự thảo Nghị định là chưa thật rõ ràng. Tuy nhiên ông Kiên nhấn mạnh đây mới là dự thảo lần 1. “Đòi hỏi dự thảo lần 1 mà hoàn chỉnh được ngay thì đó là điều không tưởng. Đây là ý kiến của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, và còn phải lấy ý kiến các cơ quan chức năng trong bộ, sau đó là các thành viên Chính phủ, thì chắc chắn còn phải sửa đổi nhiều”, ông Kiên cho biết.