Quản lý vốn Nhà nước: Tránh leo phải cành cụt
Thiếu đột phá
Sau nhiều tranh cãi, mô hình quản lý vốn Nhà nước phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh đã được đưa vào Dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Sự lựa chọn này được đánh giá là gây nhiều thất vọng vì không có đột phá so với hiện nay. Về các quy định chi tiết, bên cạnh một số quy định được bổ sung thêm về quyền năng của chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, vấn đề giám sát… Luật cũng quy định thêm về một số lĩnh vực DNNN được làm. Tuy nhiên, kèm theo đó vẫn là vấn đề mang tính nguyên tắc: “Phải bảo toàn vốn Nhà nước”.
Nên thu hẹp quy mô DNNN trước khi xây dựng mô hình quản lý
Một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với mô hình ít đột phá và quy định cứng về việc phải bảo toàn vốn Nhà nước, khó có thể hình thành mô hình quản lý vốn hiệu quả như kỳ vọng. Bởi với các DN công ích, nếu phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ dưới giá thành, rõ ràng DN phải được trợ cấp giá để có lãi, đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy lại trái với yêu cầu về tính hiệu quả trong kinh doanh của DNNN. Bên cạnh đó, việc một bộ ngành vừa là chủ sở hữu DN, vừa xây dựng hành lang pháp lý, lại vừa giám sát vận hành thị trường sẽ gây ra xung đột lợi ích và không tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh giữa DNNN và các DN khác.
Về điểm này, theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cần tách bạch việc quản lý Nhà nước và sở hữu Nhà nước. Theo ông Cung, có như vậy mới phân định được quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của cơ quan thực thi chính sách để thực hiện quyền tự chủ, chuyên trách, từ đó quy trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề tại DNNN. Quyền Viện trưởng CIEM thẳng thắn đề xuất, “phải thành lập được cơ quan chuyên trách quản lý DNNN”.
Quan điểm của ông Cung cũng được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ. Trong lộ trình hội nhập với thế giới, nhiều thỏa ước quốc tế gần đây không chỉ gói gọn trong các vấn đề thương mại mà còn mở rộng ra thể chế, trong đó có một số yêu cầu về bình đẳng giữa các thành phần DN. PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, việc xem xét lựa chọn mô hình quản lý vốn Nhà nước cần đối chiếu theo các quy định quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang cam kết hội nhập quốc tế ở cấp độ cao.
Hiện nay, TPP (Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) được coi là cấp cao nhất về cải cách thể chế. Những vấn đề liên quan đến kinh tế Nhà nước, DNNN phải có chuẩn mực đáp ứng yêu cầu của hiệp định này. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đều thừa nhận có DNNN, nhưng yêu cầu quản trị khối DN này phải minh bạch, rõ ràng. Cần tách một bên là DN công ích, một bên kinh doanh và phải cạnh tranh bình đẳng. Hay trong đàm phán của Việt Nam với EU hiện nay, đối tác còn đòi hỏi cao hơn. Đó là phải có cơ quan độc lập chuyên trách quản lý vốn Nhà nước và phải sớm tách riêng ra.
Quan trọng là thu hẹp nhanh DNNN
Nhiều cái lợi của mô hình quản lý tập trung đồng vốn Nhà nước đã được chỉ ra. Theo đó, với quy mô đủ lớn thì tính năng động và chuyên nghiệp của cơ quan này mới có thể đảm bảo được. Với tinh thần quy về một mối sẽ tăng cường sự giám sát, tăng được tính độc lập của việc sử dụng đồng vốn và giảm được xung đột lợi ích… Tuy nhiên, với quy mô của khối DNNN còn quá lớn như hiện nay, việc áp dụng mô hình tập trung rõ ràng vẫn là điều quá sức.
Chọn mô hình quản lý vốn Nhà nước tập trung hay phân tách? Đó rõ ràng là chọn lựa không dễ dàng của Ban soạn thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN, khi đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý cho việc quản lý vốn Nhà nước đã quá cấp bách. Một chuyên gia cho hay, Luật này là “đặt hàng” của Quốc hội sau khi xảy ra nhiều vụ thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Vì phải chịu sức ép như vậy, có thể hiểu lý do Ban soạn thảo dự án luật không thể mạnh dạn áp dụng một mô hình quản lý mới có tính đột phá, trong bối cảnh quy mô và tính chất của khối DNNN chưa có nhiều thay đổi như hiện nay.
Trong khi đó, nếu nhìn nhận trong dài hạn, khi Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN từ nay đến năm 2015, với chủ trương chỉ nắm giữ những DN mà Nhà nước cần chi phối thì quy mô DNNN sẽ nhỏ dần. Vậy, việc đưa ra một mô hình quản lý vốn Nhà nước cũng cần đối chiếu với tình hình thực tế đó để có thể phát huy vai trò trong dài hạn. Mà theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, nếu không tính đến việc phục vụ trong dài hạn, Luật này sẽ rơi vào tình trạng “leo phải cành cụt” và tiếp tục loay hoay sửa đổi, bổ sung…
Vì vậy, theo PGS-TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, điều cần làm trước hết là co quy mô của DNNN lại, trước khi nghĩ tới việc xây dựng mô hình quản lý vốn nào cho phù hợp. “Nếu chúng ta cứ để khu vực DNNN lớn như hiện nay thì phương án phân tán hay tập trung vào một cơ quan theo tôi cũng đều không phù hợp”, ông Bá nêu quan điểm. Hiện tại, DNNN đang đóng góp khoảng 30% GDP của đất nước, theo ông Bá, nếu giảm xuống 15% là phù hợp. Tương ứng với tỷ lệ đóng góp vào GDP như vậy, số DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối chỉ nên gói gọn trong khoảng 50 đơn vị là “đẹp”.
Ngọc Khanh