Mở rộng cơ hội tiếp cận vốn
Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền vốn đã đến với các hội viên phụ nữ thuộc các hộ nghèo. Nhờ đồng vốn với lãi suất thấp, nhiều chị em đã làm chủ được cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu vay vốn của các hội viên rất cao, trong khi nguồn vốn lại hạn hẹp. Thực tế này đòi hỏi cần có những chính sách mới giúp phụ nữ dễ dàng vay vốn để phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) sẽ tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn kịp thời và sử dụng vốn hiệu quả.
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN khi trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề huy động vốn cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu về hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi có tác dụng lớn đối với phụ nữ nghèo tại phiên họp thường kỳ HĐQT NHCSXH
Thưa bà, Hội LHPNVN đã có những chính sách gì trong việc huy động nguồn vốn giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo phát triển kinh tế?
Với chức năng đại diện và chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, Hội LHPNVN đã phối hợp hiệu quả với các ngân hàng; đồng thời, tạo ra nhiều sáng kiến để giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, các hộ khó khăn có cơ hội vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, với NHCSXH, hội đang nhận ủy thác 15/18 chương trình tín dụng chính sách; trực tiếp quản lý gần 78 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 2,8 triệu thành viên đạt tổng dư nợ hơn 48 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40% tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể). Kết quả ủy thác của Hội LHPNVN đã được đánh giá cao với 5 nhất: quản lý số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất, số thành viên đông nhất, tổng dư nợ lớn nhất, nợ quá hạn thấp nhất và vận động thành viên tiết kiệm tốt nhất.
Bên cạnh đó, hội cũng đề ra nhiều sáng kiến thu hút nguồn vốn nhằm tạo thêm kênh hỗ trợ vốn cho chị em. Các chương trình, dự án tài chính vi mô là một trong những sáng tạo như thế. Theo đó, hội sẽ đi vay tiền của các tổ chức tín dụng, sau đó: dùng nguồn vốn này cho chị em vay. Lợi nhuận từ hoạt động này không được phép phân chia và tiếp tục đưa vào nguồn vốn. Cách hoạt động này đã phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua. Bằng chứng là quỹ tín dụng Tình thương (Quỹ TYM) được thành lập năm 1992, nguồn vốn tài trợ ban đầu chỉ là 20.000 USD của một tổ chức Nhật Bản. Sau 20 năm (2012), quỹ đã có 100 tỷ đồng.
Sáng tạo thứ hai của Hội là vận động hội viên, phụ nữ cả nước thực hành tiết kiệm, xây dựng các mô hình tiết kiệm tại cộng đồng. Cách tổ chức này gắn với mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm ở chi hội, tổ; trong đó: chị em tự tiết kiệm rồi cho nhau vay. Tính đến nay, hơn 77% số hội viên trong hội tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm với tổng dư nợ trên 4.200 tỷ đồng (tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với năm 2012).
Trong quá trình triển khai, Hội có gặp phải vướng mắc nào không, thưa bà?
Có thể nói, NHCSXH đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn chưa đủ. Ví dụ, hạn mức cho các hộ nghèo miền núi vay để phát triển sản xuất là 30 triệu đồng. Thế nhưng thực tế, số tiền này chỉ đủ mua một con giống. Trong khi đó, muốn chăn nuôi hiệu quả thì người nông dân phải chăn ít nhất từ 2 đến 3 con. Vì thế, để mua được một cặp bò, bà con phải vay nặng lãi đến 4,5%/tháng, thậm chí là 48 đến 60%/năm. Rõ ràng, số vốn vay 30 triệu đồng chưa đủ để giúp họ thoát nghèo.
Bên cạnh đó, với lượng hội viên đông đảo, mạng lưới cơ sở và đội ngũ cán bộ rộng khắp, Hội LHPNVN có thế mạnh phát triển dịch vụ tài chính vi mô. Tuy nhiên, Nhà nước và các cơ quan chức năng lại chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Bằng chứng là cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho tài chính vi mô phát triển đúng hướng và lành mạnh chưa phù hợp.
Chị em phụ nữ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
Vậy, Hội có giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn trên để giúp hội viên phát triển kinh tế?
Để chị em, đặc biệt là hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời, Hội LHPNVN sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với NHCSXH.Cho vay vốn là cung cấp cho người dân “cần câu” nhưng làm thế nào để “câu được cá” thì cần hỗ trợ thêm các giải pháp kỹ thuật khác. Vì thế, hội sẽ triển khai các kế hoạch nhằm giúp chị em tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như học nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo ra sản phẩm có giá trị cao...
Song song với đó, hội đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh dưới hình thức tổ liên kết, hợp tác xã. Trong những mô hình này, chị em sẽ được học tập kinh nghiệm, biết cách làm ăn để nâng cao chất lượng sống.
NHCSXH