Môi trường - yếu tố sống còn của DN ngành nhựa
Ngành nhựa cần đổi mới để tiếp cận thị trường EU |
Trong tháng 8, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức cuộc họp về tình hình nhập khẩu nhựa phế liệu, cũng như những khó khăn của DN nhập khẩu loại nhựa này trong thời gian qua. Theo đó, hiện đang có 40 DN bị tồn khoảng 4.500 container nhựa phế liệu chưa được thông quan.
Xử lý mạnh những DN cố tình nhập khẩu rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường |
Ngoài nguyên nhân chủ quan là khâu thủ tục hành chính nhập khẩu thì nguyên nhân khách quan nằm ở phía các DN. Nhiều DN đánh giá việc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu sẽ tạo cơ hội cho ngành tái chế nhựa phế liệu trong nước phát triển nên đẩy mạnh đầu tư. Hàng nhập khẩu đổ về, trong khi cơ sở hạ tầng đầu tư nhà máy tái chế chưa hoàn thiện nên hàng phải để lại cảng. Hơn thế, do thời gian thông quan bị ách tắc, kéo theo thời gian lưu kho bãi lâu, phát sinh nhiều chi phí nên không ít DN không nhận hàng khiến tình trạng ứ container phế liệu nhập khẩu diễn ra trầm trọng tại các cảng.
Nguồn nguyên liệu nhựa PP, PE của DN ngành nhựa Việt Nam là các sản phẩm rác thải nhựa từ nước ngoài. EU đang xuất khẩu một nửa số rác thải nhựa thu gom được và 85% trong số đó là xuất sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang và sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa. Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ xem xét tình trạng hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa. Bởi vì mặc dù nguồn nguyên liệu nhựa phế thải có thể giúp một số DN nhựa phát triển nhanh chóng, tăng nguồn nguyên liệu nội địa thứ cấp, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh, thế nhưng về lâu dài, sẽ gây hậu quả nặng nề về môi trường, thậm chí có những nguy hại ô nhiễm không thể khắc phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Ông Hoàng Phi Vũ, Giám đốc Công ty Minh Tâm Tín Nghĩa cho biết, tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 9.000 tấn rác và có đến 6.000 tấn rác được chuyển giao cho Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam để chôn lấp hoàn toàn. Còn lại 3.000 tấn rác chuyển giao cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar để phân loại tái chế. Tổng lượng nhựa thu gom để tái chế từ 2 công ty này khoảng 60 tấn/ngày. Chưa hết, chất lượng nhựa tái chế cũng rất thấp bởi rác nhựa bị trộn lẫn với nhiều loại rác thải khác trước khi đến nhà máy phân loại và tái chế.
Ngành nhựa Việt Nam là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao, trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng 15% - 20%/năm, nhưng lại phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu nhựa sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa (gồm nhựa chính phẩm và phế liệu nhựa). Tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa là 12,68 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD. Hiện ngành nhựa có khoảng 2.000 DN. Trước đây, nhiều DN đầu tư chỉ với quy mô gia đình nhưng hiện bắt đầu đầu tư quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở TP. HCM.
Trên thực tế, một số DN sản xuất hoặc được ủy thác nhập khẩu đã lợi dụng sự cho phép của các cơ quan chức năng, nhập quá số lượng nhựa phế liệu so với công suất sản xuất, sau đó đem bán cho các DN sản xuất nhỏ, làng nghề tái chế, không có khả năng xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, về phía DN, cần thiết phải đầu tư hệ thống sản xuất và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, nhà máy đầu tư phải tập trung tại những khu công nghiệp, phù hợp với quy hoạch của địa phương. Bản thân DN cũng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ về môi trường, đảm trách khâu vận hành quản lý hệ thống hạ tầng xử lý môi trường.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu nhựa tái sinh rất quan trọng, bởi đây là một phần nguyên liệu chính để sản xuất của các DN trong nước, ngoài lượng nhựa nguyên liệu chính phẩm. Rất nhiều đơn hàng xuất khẩu của các đối tác trên thế giới yêu cầu phải có tỷ lệ nhựa tái sinh chiếm 30% - 70%. Do vậy, nếu không nhập khẩu nhựa phế liệu thì không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất để xuất khẩu hay phục vụ nhu cầu trong nước.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế đề nghị các cơ quan chức năng thành lập đoàn thanh kiểm tra tình hình nhập khẩu phế liệu. Theo đó, xử lý mạnh những DN cố tình nhập khẩu rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tạo hành lang pháp lý an toàn và thông thoáng cho những DN sản xuất chân chính. Trường hợp DN nào nhập khẩu nhựa phế liệu đúng quy định, nhanh chóng cho thông quan để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí lưu kho bãi, đưa nguyên liệu vào hoạt động sản xuất, tránh nguy cơ đình trệ và đóng cửa hàng loạt nhà máy như hiện nay.