Mong muốn Dự án STEP đánh giá sâu hơn về hoạt động QTDND
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát |
Đoàn khảo sát do ông Rudolf Schuetz – Giám đốc Dự án STEP làm Trưởng đoàn.
Dự án được thực hiện bởi Developpement international Desjardins (DID) – Tập đoàn tài chính hàng đầu của Canada và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) với sự tài trợ của Global Affairs Canada (GAC), triển khai tại 14 tỉnh, thành trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.
Nằm trong chiến lược quốc gia để hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, dự án STEP được thiết kế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho nam giới và nữ giới tại Việt Nam ở vùng nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và Co-opBank được gắn kết hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Các chuyên gia của Dự án đã chia sẻ một số kết quả khảo sát khá sát thực bằng các phương thu thập thông tin từ xa (khảo sát online gửi tới 46 QTDND với hơn 500 câu hỏi) cùng kết hợp khảo sát thực địa tại 27 QTDND.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong đoàn khảo sát, đối với quản trị rủi ro, đa số các trường hợp, khung hiện tại đều dựa trên các tỉ lệ an toàn pháp định và kiểm toán nội bộ là ban kiểm soát, bộ phận có chức năng quản trị rủi ro duy nhất. Các đánh giá, theo dõi và báo cáo dựa trên rủi ro được thực hiện chủ yếu bởi bộ phận kiểm toán nội bộ; không được chính thức hóa hoặc bị hạn chế ở chức năng của các bộ phận vận hành và quản lý.
Đoàn khảo sát kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường mức độ tham gia và trách nhiệm của các bộ phận quản lý trong tổng thể quản trị rủi ro; Chính thức hóa khung quản lý rủi ro thông qua các phương pháp và công cụ được chuẩn hóa và thiết kế chi tiết, đặc biệt là ở vị trí kiểm toán nội bộ; Cùng với đó là tăng cường khung quản lý, thêm các điều khoản mô tả chi tiết vai trò và trách nhiệm của các vị trí chủ chốt tại QTDND.
Khảo sát cũng đưa ra những đánh giá về sản phẩm dịch vụ cũng như nhân sự của QTDND nhất là những nhân sự cấp HĐQT.
Lãnh đạo của Cơ quan Thanh tra giám sát và các vụ, cục chức năng của NHNN cũng đã trao đổi với Đoàn khảo sát về những giải pháp xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm của các QTDND, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Về cơ bản những khảo sát đã khá sát thực tiễn, cung cấp nhiều thông tin quan trọng và khuyến nghị chính sách là cơ sở để NHNN có những cái nhìn tổng quan phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện chính sách đối với hoạt động của QTDND trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao kết quả khảo sát của dự án gồm 3 cấu phần là khảo sát cơ cấu tổ chức của QTDND; sản phẩm và dịch vụ; công nghệ thông tin.
NHNN đồng tình với phương pháp, cách thức, tiêu chí, mục tiêu trong việc chọn mẫu, khảo sát, phỏng vấn… hệ thống QTDND. Các cấu phần của dự án sát thực tiễn, có căn cứ khoa học đáp ứng được yêu cầu thông tin mà NHNN muốn nắm bắt.
Về khảo sát QTDND trong quản lý rủi ro, hoạt động tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, ở góc độ về quản lý Nhà nước, bản thân ông cùng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thời gian qua đã đi thực tế tại 8 tỉnh để khảo sát và nắm bắt thông tin nên rất đồng tính với các đánh giá, phân tích của dự án.
Phó Thống đốc cũng cho biết, với nội dung sản phẩm dịch vụ của QTDND, Đoàn khảo sát đã có những đánh giá, phản ánh thực tiễn về môi trường hoạt động, thị trường tài chính nông thôn, có bảng biểu số liệu để chứng minh khá thuyết phục. Còn cấu phần công nghệ thông tin cũng đang là nội dung NHNN đặc biệt quan tâm.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, những thông tin mà Đoàn khảo sát cung cấp mang tính thực tiễn rất cao và là căn cứ quan trọng khi NHNN đã và đang đưa ra giải pháp tổ chức lại hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay và trong thời gian tới. Và là dữ liệu tham khảo hỗ trợ cho NHNN thiết chế lại cơ chế tổ chức, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý đối với hoạt động của QTDND theo hướng đẩy mạnh công tác quản lý của nhà nước để QTDND phát triển ổn định, lâu dài.
Trên cơ sở những dữ liệu, thông tin cung cấp tại buổi làm việc, Phó Thống đốc đề nghị Đoàn khảo sát tiếp tục có đánh giá sâu hơn về cơ cấu tổ chức, hoạt động tín dụng, phân tích tính liên kết, sẵn sàng thích ứng trong hệ thống QTDND. Đồng thời yêu cầu, Vụ Hợp tác quốc tế, Co-opBank và Đoàn khảo sát dự án STEP sẽ tiếp tục có buổi thảo luận, phân tích thêm vào tháng 9 tới để các đơn vị chức năng của NHNN tham khảo, nắm sát thực tiễn hơn nữa đối với hoạt động của QTDND.