Mua bán chứng khoán trong ngày: Nơi làm nơi không
Hạn chế mua đuổi | |
Thị trường đang mở ra cơ hội đầu tư dài hạn |
Thông tư 203/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính được áp dụng từ 1/7 với nội dung nổi bật nhất là cho phép mua bán chứng khoán trong ngày, khiến nhiều NĐT trên sàn tỏ ra hứng khởi. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế biến động hiện nay, việc mua nhanh bán nhanh mà không cần chờ hoàn tất quá trình chuyển quyền sở hữu giúp NĐT hạn chế được rủi ro. Tuy nhiên, khi được hỏi, chỉ một số ít công ty áp dụng hình thức giao dịch mới, còn lại một số công ty vẫn loay hoay chờ đợi hướng dẫn.
Theo Điều 7 của Thông tư, NĐT được phép mua bán chứng khoán chờ về. Đây là những cổ phiếu đã được NĐT mua trên hệ thống và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu. Theo đó, NĐT vừa mua, vừa bán một loại cổ phiếu trong phiên giao dịch liên tục và phiên đóng cửa nếu lệnh đó được đặt trong phiên khớp lệnh liên tục. Đây là bước đột phá về giao dịch trên TTCK Việt Nam, đặc biệt tại Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên chứa đựng nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa |
“Khi đó, tôi phải đợi chứng khoán về tài khoản mới bán được. Khi nhận được thông tin hình thức giao dịch trong ngày, thậm chí bán khi chứng khoán chưa về nên tạo hiệu ứng đòn bẩy, có ít tiền nhưng có thể giao dịch được nhiều hơn khiến tôi rất vui”, một NĐT trên sàn SSI cho biết sau khi ông đã từng thua lỗ nhiều ở thời điểm T+3 hay T+2.
Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn vì một số CTCK có quy mô vừa và nhỏ chưa thực hiện chính sách mới. Một NĐT trên sàn ORS cho biết, ông chưa nhận được thông báo mới từ công ty, nên việc giao dịch vẫn áp dụng chính sách cũ.
Lãnh đạo một số CTCK tại TP.HCM cho rằng, họ đang nỗ lực triển khai hình thức giao dịch trong ngày tạo điều kiện cho NĐT giao dịch tốt hơn nhưng còn vướng mắc. Trong đó, lý do phổ biến là không phải CTCK nào cũng đủ hệ thống kỹ thuật để thực hiện hoạt động này.
Một số khác thì khẳng định công ty của họ có đủ hạ tầng để tích hợp hình thức giao dịch mới, nhưng lại chưa sẵn sàng thực hiện vào lúc này. Họ cần thêm thời gian để thử nghiệm, hoàn chỉnh từ các CTCK với nhau…
Thực tế, Thông tư 203 được Bộ Tài chính công bố và triển khai từ đầu năm 2016, đến nay đã có 6 tháng để các CTCK chuẩn bị nhưng dường như ai cũng có lý do riêng để trì hoãn. Điều này chứng tỏ NĐT dù mong đợi chính sách mới được thực thi nhưng để sử dụng thì còn chưa biết đến khi nào.
Trong khi đó, dù đưa ra thời điểm áp dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như chế tài mà bộ, ngành áp dụng đối với CTCK muốn kéo dài thời gian.
Ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán trong ngày dù được công bố song đi kèm với rủi ro vì có thể giao dịch chồng chéo, hay có trường hợp NĐT đặt lệnh bán trước khi mua hoặc khối lượng bán nhiều hơn số đã mua trước đó, hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức tối đa…
Chưa kể, nhiều NĐT đặt câu hỏi: Giả sử được áp dụng thật thì nhà quản lý có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu nạn thao túng thị trường, thao túng giá cổ phiếu, tạo cung - cầu ảo của các NĐT lớn hay không?
Trong khi đó, diễn biến TTCK hiện nay phức tạp vì chịu sự tác động lớn bởi nền kinh tế thế giới. Đơn cử, tổng giá trị khớp lệnh trên cả hai sàn trong tuần qua tiếp tục trên 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực của giá dầu vào cuối tuần (dầu brent giảm gần 5%) đã khiến diễn biến điểm số thị trường không còn đẹp như trước. Đồng thời, khối ngoại không quá tích cực trong giai đoạn này. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tuần qua chỉ 76 tỷ đồng.
Đồng thời, tỷ lệ giao dịch của khối ngoại trên thị trường chỉ 5%, khá thấp so với mức trung bình thường thấy của thị trường (trên 10%).
Theo quan sát của giới phân tích, giá dầu đang bước vào kênh giá giảm. Lo ngại về rủi ro điều chỉnh giảm của giá dầu và hiện tại giới chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm này. Giá dầu hiện đang không được hỗ trợ cả về yếu tố cung cầu lẫn yếu tố giao dịch thị trường. Do đó, nếu kênh giảm điểm này kéo dài, giá dầu nhiều khả năng sẽ về lại vùng giá thấp.
Riêng áp lực phá giá từ đồng Nhân dân tệ (NDT) vẫn chưa cho thấy dấu hiệu suy yếu, đồng tiền này tiếp tục mất giá so với USD. NDT đã mất giá hơn 1% kể từ sau phiên Brexit và đã mất giá 5,54% kể từ đầu tháng 11/2015. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2015 đến nay, VND chưa mất giá, thậm chí tăng giá nhẹ 0,2%.
Do đó, áp lực phá giá lên VND sẽ gia tăng theo phiên nếu NDT tiếp tục duy trì xu hướng mất giá như hiện nay. Quan sát lịch sử diễn biến của đồng NDT và VND, NDT thường mất giá trước sau đó VND sẽ mất giá trong khoảng thời gian liền kề sau đó.
Như vậy giá dầu và NDT bị giảm hoặc mất giá nhanh sẽ tiếp tục kéo dài. Diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đang liên hệ mật thiết với dòng tiền, cụ thể là tiền vay ký quỹ. Do đó, NĐT đang rất thận trọng khi thấy dấu hiệu siết van tín dụng này từ các CTCK.
Với diễn biến hiện tại, các nhà quan sát thị trường kỳ vọng cơ quan ban ngành nhanh chóng đưa Thông tư đi vào thực tiễn, kích thích tăng thanh khoản cho thị trường để NĐT lướt sóng nhiều hơn và có thể phát sinh thêm một số hệ thống mua bán tự động để kiếm tiền trong ngày như mua bán vàng.