Thị trường đang mở ra cơ hội đầu tư dài hạn
VN-Index sau một hồi chạm mốc 632 đã giảm nhẹ nhưng đà tăng vẫn duy trì đến cuối phiên, chốt ở mức 627,87 điểm. HNX-Index cũng tăng, tuy nhiên vẫn chưa vượt ngưỡng 84 điểm, chỉ đạt mức 83,81 điểm. Khối lượng giao dịch thị trường đạt hơn 175 triệu đơn vị, tương ứng 2.900 tỷ đồng.
Xét về nhóm ngành, hiện tại, cổ phiếu NH vẫn chưa có gì đột phá, trong khi cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ lại tăng mạnh đột biến. Đáng chú ý, thời gian qua, có nhiều mã cổ phiếu vừa tăng tốt, vừa tạo đột biến về thanh khoản như: GTN, DLG, PXS, VTO, TDH, BMI, VNG, CNG.
Giao dịch chung của thị trường vẫn khá tích cực |
Có thể thấy, giao dịch chung của thị trường vẫn khá tích cực. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, khả năng chốt lời ở nhóm cổ phiếu lớn một lần nữa manh nha xuất hiện, khiến thị trường không đóng cửa tại vùng giá cao nhất đạt được trong phiên.
Cụ thể hơn, các chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng xuất hiện các phiên chốt lời của nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ vùng giá thấp, hay còn gọi là phiên phân phối. Theo đó, nếu dòng tiền không cải thiện mạnh trong các phiên tiếp theo, thị trường sẽ đối diện tình trạng thiếu cầu và sẽ điều chỉnh giảm mạnh để cân bằng lại trạng thái cung-cầu.
Về hình thức đầu tư, việc mua bán ngắn hạn tại các cổ phiếu có động lượng tăng tốt vẫn mang lại lợi nhuận. Theo thống kê của các nhà phân tích, từ tháng 5 đến nay, sàn HSX tồn tại hơn 40 mã duy trì đà tăng bất chấp diễn biến của chỉ số thị trường. Tiêu biểu như các mã sau: PXT, PTL, DCS, APG, PVD, TTF, AAA, TYA, VHC, MPT, DHM, G20, GAS, MWG, NTL, LDG.
Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể nắm bắt cơ hội lướt sóng tại các mã cổ phiếu hiện đang tăng tốt trong giai đoạn gần đây, hoặc mạo hiểm tham gia vào các mã cổ phiếu vừa có dòng tiền đột biến trong một hai phiên gần đây.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân có thể xem xét hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, cũng như là hạn chế giải ngân tại các dòng cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn này nhằm đề phòng rủi ro trước các diễn biến điều chỉnh của thị trường do mất cân đối cung-cầu.
Còn đối với việc đầu tư dài hạn, hiện nay, các chỉ báo vĩ mô và diễn biến KQKD của nhiều nhóm ngành đều ủng hộ cho đà tăng trưởng dài hạn của thị trường. Trong ba tâm điểm lớn của vĩ mô hiện tại là tăng trưởng GDP, diễn biến tỷ giá, lãi suất và cân đối ngân sách Nhà nước, giới phân tích đến từ CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá vấn đề tăng trưởng và ổn định thị trường tiền tệ trong quý II đã có nhiều chuyển biến khả quan hơn so với quý I.
Một mặt, sự hồi phục trong các lĩnh vực phi nông nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong quý II. Mặt khác, tỷ giá USD/VND và lãi suất cho vay hiện đang được quản lý rất hiệu quả, bất chấp nhiều lo ngại từ đầu năm. Thông tin vĩ mô tích cực sẽ là trợ lực tốt về tâm lý cho TTCK tháng này.
Nhìn chung, trong khi các yếu tố nội tại được củng cố, TTCK tháng 6 vẫn nằm trong phạm vi ảnh hưởng từ một số yếu tố bên ngoài như căng thẳng địa chính trị bên thềm các diễn đàn quốc tế về biển Đông (đối thoại Shangri-la, phán quyết của The Hague), khả năng FED điều chỉnh lãi suất trong kỳ họp tháng 6, rủi ro giá dầu điều chỉnh sau khi chạm 50USD/thùng…
Cũng từ quan sát của các nhà phân tích VDSC, trong hai năm trở lại đây biến động của giá dầu và căng thẳng biên giới biển thường có ảnh hưởng mạnh và tức thời lên tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khó lòng kỳ vọng các cổ phiếu như GAS, VCB, VNM, BID, BVH bật mạnh từ vùng giá này.
Đó là chưa kể trong những ngày đầu tháng, khả năng điều chỉnh đối với những cổ phiếu đã tăng nhiều trong tháng Năm là tương đối cao. Nếu không sớm tìm được một động lực mới cũng như sự đồng thuận trên thị trường, VN-Index có thể sẽ gặp trở ngại lớn trước khi chạm đến ngưỡng 640 điểm.
Tuy nhiên, do một vài cổ phiếu lớn như VCB và BVH thường xuyên đóng vai trò “tấm đệm” đối với thị trường, nhà đầu tư có thể nghiêng nhiều về khả năng VN-Index sẽ đi ngang trong biên độ hẹp trong suốt tháng Sáu.Vùng điểm dự báo với VN-Index trong tháng này là 608-628 và với HNX là 80-84,7.
Từ đây, nhà đầu tư có sự sàng lọc để chọn ra các nhóm ngành và cổ phiếu tốt để tích lũy và/hoặc nắm giữ cho trung và dài hạn. Về triển vọng kinh doanh, không ít nhóm cổ phiếu có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý II so với quý I cũng như cùng kỳ 2015 như chứng khoán, VLXD (gạch, đá, xi măng, ống nhựa, thép), xây dựng và BĐS, điện, phụ tùng ô tô, bán lẻ chuyên dụng (ô tô, điện tử), hàng tiêu dùng và du lịch - giải trí…