Mua vàng là ưu tiên của các NHTW
Thị trường đã từng có hoài nghi về động thái duy trì giữ vàng của các NHTW; tuy nhiên hoài nghi đó đã bị loại bỏ, bởi tổng lượng lớn nhất trong lịch sử NHTW đã mua vào trong 6 tháng cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, quý I/2016, các NHTW đã mua (ròng) 109,4 tấn, giảm nhẹ (-3%) so với mức 112,3 tấn cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, đây đã là quý thứ 21 liên tiếp các NHTW mua ròng, kể từ năm 2011.
Các NHTW mua vàng trong quý I/2016
(tấn, ròng; nguồn: Hội đồng vàng thế giới - WGC, 15/5/2016)
| Quý I/2015 | Quý I/2016 | Thay đối | Thay đối |
NHTW và các | 112,3 | 109,4 | -3% | -31% |
Những tháng đầu năm 2016, thị trường được nhận dạng là không chắc chắn ở mức cao độ bởi các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả của chính sách lãi suất âm do NHTW Châu Âu và Nhật Bản thực hiện. Các nhà kinh tế cũng nhận định rằng hiện chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đã giảm đi; ngoài ra, các nhà kinh tế cũng giải thích rằng có ba yếu tố liên quan đến chính sách lãi suất âm đã kích thích NHTW nắm giữ vàng:
Có tới 1/3 các khoản nơ Chính phủ toàn cầu được giao dịch, có thu nhập âm. Nguồn: WGC |
- Lãi suất âm làm giảm đáng kể lượng tài sản trên thị trường mà NHTW có khả năng đầu tư, bởi họ e ngại không dám mạo hiểm theo đuổi một chiến lược đầu tư mà thua lỗ đã rõ ràng. Dữ liệu giao dịch chứng khoán nợ Chính phủ toàn cầu cũng cho thấy có khoảng 30% chứng khoán nợ Chính phủ của các nước tiên tiến có thu nhập âm;
- Về mục đích, lãi suất âm được thiết kế một phần để hạn chế sức ép lên giá tiền tệ, tuy nhiên thực tế lại khác, các đồng tiền bị tác động lại đang mạnh lên và ngay lập tức nảy sinh quan ngại rằng trong tương lai sẽ lại có các can thiệp tiếp;
- Sự không chắc chắn về tính hiệu quả của lãi suất âm đã và đang góp phần làm gia tăng sự bất ổn của thị trường tài chính.
Chính sách lãi suất âm đã dẫn đến việc các NHTW tiếp tục đầu tư vào vàng dưới rất nhiều cách thức. Nắm giữ vàng cho mục tiêu đa dạng hóa tài sản đang là một ưu tiên hàng đầu của các NHTW trong điều kiện thị trường tài chính đang bất ổn như những gì ta thấy.
Các nhà quản lý dự trữ đang ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp tối ưu về đầu tư (dự trữ của họ) trước khuynh hướng chính sách tiền tệ đang có trào lưu rất phân tán như thời gian qua và hiện nay (hàm ý là chính sách tiền tệ phi truyền thống trong đó có cả chính sách lãi suất âm...).
Theo một kết luận điều tra do HSBC thực hiện gần đây, có tới 80% trong số người được hỏi đồng ý rằng lãi suất âm là có ảnh hưởng đến quản lý dự trữ của NHTW và trong đó, lãi suất âm cũng được cho là “chống lại” các “ưu tiên hàng đầu của quản lý dự trữ” – như ưu tiên hàng đầu trong quản lý dự trữ đối với NHTW là an toàn hay bảo vệ an toàn tài sản (protection)...
Sự gia tăng sử dụng chính sách lãi suất âm cũng có thể dẫn tới các nhà quản lý dự trữ ngày càng phải xem xét các khả năng - theo khuynh hướng giảm bảo thủ hơn – giữa đầu tư và nắm giữ tiền tệ. Như vậy, trường hợp NHTW thực hiện đa dạng hóa dự trữ bằng nắm giữ vàng thì cũng là một điều được coi là động thái hợp lý hiện nay.
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất năm qua và vẫn tiếp tục tích lũy lượng vàng lớn đáng kể. NHTW Nga đã tăng dự trữ lên 45,8 tấn trong quý đầu tiên, hơn 52% so với cùng kì năm 2015 (ở mức 30,1 tấn). Trong tháng 2 và 3/2016, NHTW Trung Quốc đã tiêu thụ 35,1 tấn, so với con số 103,9 tấn của 6 tháng cuối năm 2015.
Dự trữ vàng của Kazakhstan đã tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm 2016 và đó là tháng thứ 42 liên tục tăng ấn tượng về tiêu thụ vàng của quốc gia này... Các con số này nằm trong báo cáo công bố ngày 15/5/2016 của Hội đồng vàng thế giới (WGC).
Cũng theo dữ liệu của WGC, các NHTW bán vàng (ròng) được kể đến là khá ít. Trong đó Canada đã bán 1,7 tấn trong quý I/2016, đặc biệt là giảm lượng vàng dự trữ xuống còn 68 ounces; Tuy nhiên, đây thực tế là một phần của chính sách dài hạn đã được khởi xướng từ cách đây gần 4 thập kỷ. Ba NHTW quốc gia duy nhất bán ròng đáng kể trong quý I/2016 là Malaysia (1,9 tấn), Mozambique (1,9 tấn) và Mongolia (1,3 tấn).
Riêng đối với Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong những năm gần đây giảm rất mạnh. Điều này phần nào là kết quả của việc Chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện thành công chiến lược chống vàng hóa nền kinh tế.
Cũng có thể nhận định rằng, thành công trên đã hỗ trợ cho ổn định tỷ giá trong thời gian vừa qua, do đã giảm được lượng lớn ngoại tệ tiêu tốn cho nhập khẩu vàng như nhiều năm trước đây.
Theo quan điểm của tác giả, việc kiên định chính sách chống vàng hóa như đã và đang thực hiện sẽ đảm bảo NHNN không bị cuốn vào cái bẫy vòng xoáy vàng: “... Thị trường đòi nhập khẩu vàng – NHNN cho phép nhập khẩu vàng - Nhu cầu mua ngoại tệ gia tăng – Tiêu tốn ngoại tệ - Dự trữ ngoại tệ tại NHNN giảm - Tỷ giá lại gia tăng hay VND mất giá – Thị trường lại đòi nhập khẩu vàng ...”.