Mục tiêu lạm phát 4%: Nhiều thách thức gọi tên
Những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH năm 2017 | |
Lạm phát đạt mục tiêu | |
Giá cả và lạm phát: Một năm điều hành thành công |
Nhận diện để hóa giải
Với việc từ năm 2017 này, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức áp dụng cách tính mức tăng của CPI bình quân cả năm để xác định chỉ số lạm phát khiến cho mục tiêu lạm phát khoảng 4% mà Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV đặt ra xem ra không mấy khó khăn để đạt được. Bởi đơn cử, nếu áp dụng cách tính này với năm 2016, thì lạm phát cả năm vừa qua chỉ là 2,66% thay vì mức 4,74% lạm phát tăng của tháng 12/2016 so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngay cả với mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân 4% này thì cũng đòi hỏi những nỗ lực rất lớn và không thể chủ quan. Lý do vì đã có rất nhiều thách thức, áp lực cả từ bên trong và bên ngoài đang nổi lên khá rõ nét.
Giảm bớt được các khâu trung gian vô lý trong hệ thống phân phối sẽ giúp giá hàng hóa giảm |
Trong nước, nhiều khả năng năm 2017 Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, điện... theo lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường và xã hội hóa. Bên cạnh đó, một số điều chỉnh đã được quyết định như: Mức lương cơ sở tăng 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng thực hiện từ 1/7/2017; Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN tăng từ 6,7-7,5% áp dụng từ 1/1/2017... cũng sẽ có những tác động đẩy mặt bằng giá ở Việt Nam tăng lên. Ngoài ra, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước có thể diễn biến phức tạp và tác động không thuận đến thị trường, giá cả hàng hóa...
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6,7% được nhìn nhận là khá tham vọng và sẽ tạo ra những áp lực nhất định lên lạm phát. Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP này, NHNN đặt định hướng năm nay tăng trưởng tín dụng ở mức 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18% (khá sát với các mức của năm 2016).
Về các yếu tố khách quan bên ngoài, yếu tố rõ nét nhất là giá dầu đã có sự hồi phục đáng kể trong những ngày qua sau khi nội bộ các thành viên OPEC, cùng với đó là Nga đạt được quyết định về cắt giảm sản lượng. Các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế như WB, IMF cho rằng, giá dầu thô có thể sẽ dao động quanh mức 55-60 USD/thùng trong năm nay. Giá cả các hàng hóa cơ bản như giá lương thực, nguyên liệu dự báo cũng tăng theo giá dầu và sự phục hồi tốt hơn của kinh tế toàn cầu nên sẽ có những tác động đến trong nước.
Bên cạnh đó, việc kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục tốt hơn, đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá, Fed có thể tăng tần suất tăng lãi suất, những bất định trong chính sách của Mỹ khi tân chính quyền của ông Donald Trump chuẩn bị nắm quyền điều hành hay những tác động có độ trễ của sự kiện Brexit… cũng là những yếu tố tác động đến các thị trường, giá cả, tỷ giá trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực và nhiều chuyên gia khác, đây là các yếu tố có thể gây áp lực lạm phát mà nếu không kiểm soát tốt có thể khiến lạm phát tăng nhanh trở lại.
Rất nỗ lực mới đạt được
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính cho rằng, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý là một trong những yếu tố lớn tác động tới lạm phát trong năm nay. Cụ thể, nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục vẫn được điều chỉnh tăng ở mức như năm 2016 thì CPI sẽ tăng trong khoảng 5%. Còn nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục được giữ nguyên như năm 2016 thì CPI sẽ tăng khoảng 3%.
Trên cơ sở chạy thử một số mô hình kinh tế lượng dự báo CPI năm 2017, chuyên gia Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả thị trường, Viện Kinh tế - Tài chính cho biết kết quả thu được là CPI của Việt Nam bình quân năm 2017 so với năm 2016 sẽ tăng ở mức từ 2,8 – 3,8%. Mức tăng giá này thấp hơn so với mục tiêu khoảng 4% đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2 tháng 11/2016.
Một điểm đáng chú ý là các mô hình chạy thử này đã cho kết quả dự báo CPI khá sát so với diễn biến thực tế trong năm 2016. Cụ thể vào tháng 6/2016, chạy thử mô hình này cho kết quả: Dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2016 so với năm 2015 sẽ ở mức 102,62 (tăng 2,62%) và kết quả này đã được công bố tại Hội thảo về Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016 do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức vào ngày 7/7/2016. Mức tăng này gần như sát đúng với mức tăng CPI bình quân năm 2016 là 2,66% mà Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thụy cũng lưu ý, mô hình chạy thử trên cơ sở các yếu tố đầu vào không quá đột biến. Đơn cử, nếu Chính phủ thực hiện những quyết sách mạnh về điều chỉnh giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng và nhạy cảm hoặc nới lỏng CSTT để tạo động lực cho tăng trưởng cao hơn... thì CPI của Việt Nam bình quân năm 2017 so với năm 2016 sẽ tăng cao hơn. “Do vậy, kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành nền kinh tế đồng bộ để giữ ổn định giá cả thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô như mục tiêu đã đề ra” – chuyên gia này nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cần có những giải pháp cơ bản để hạn chế bớt những tác động vào CPI như tiếp tục kiểm soát một số mặt hàng độc quyền (xăng dầu, điện, nước) trên nguyên tắc kiểm soát được giá thành của những mặt hàng đó.
“Đặc biệt là các yếu tố hình thành giá các mặt hàng độc quyền phải được công khai, minh bạch cho mọi người được biết một cách rộng rãi để giám sát” – ông Phú khuyến nghị.
Vị này cũng cho rằng, nếu chúng ta giảm bớt được các chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian vô lý (liên quan đến hệ thống phân phối hàng hóa) thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm sẽ đến tay người dân với giá giảm hơn từ 5-10%.
Tiếp cận dưới góc độ vĩ mô, TS. Lực cho rằng, để kiểm soát và giữ được lạm phát ở mức mục tiêu đề ra trong năm nay, một mặt cần theo sát diễn biến tình hình thế giới để điều hành sát với thị trường hơn, linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng biến với những cú sốc bên ngoài. Mặt khác, việc tăng giá một số hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý cần theo lộ trình và vào những thời điểm không quá nhạy cảm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có sự phối hợp tốt các chính sách đặc biệt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, mặc dù định hướng tăng trưởng tín dụng là 18% nhưng không có nghĩa sẽ phải đạt được bằng mọi giá mà vẫn phải quan tâm kiểm soát chất lượng tín dụng và hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh.
Thông điệp không chủ quan với diễn biến của lạm phát, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý cũng là nội dung quan trọng trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ban lãnh đạo NHNN đưa ra trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 vừa qua.
Kỳ vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những nỗ lực của các thành viên thị trường, trong đó có DN, người tiêu dùng và cùng với đó là không có những tác động quá lớn của giá cả và bất định trên thị trường toàn cầu đến Việt Nam thì lạm phát sẽ tiếp tục nằm ở ngưỡng dưới của mục tiêu 4% đã đề ra.