Lạm phát đạt mục tiêu
Giá cả và lạm phát: Một năm điều hành thành công | |
Lạm phát năm 2016 ở mức 4,74% | |
Năm 2016: Tăng trưởng GDP ước 6,3%, lạm phát khoảng 4,75-4,9% |
Theo thông báo của Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 đạt ở mức 4,74% so với cuối năm 2015, sát với mục tiêu đặt ra là dưới 5%. Phải chăng đây là kết quả trong quá trình điều hành có hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ?
Về mặt lý thuyết cũng như thực tế đã chứng minh, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng do nhiều nguyên nhân có thể bắt đầu từ các nhân tố “cầu kéo” hoặc nhân tố “phí đẩy”. Song sự gia tăng mức giá bắt đầu từ các nhân tố trên nếu không có sự hỗ trợ bởi các chính sách nhà nước làm tăng cung tiền bằng việc thực hiện chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ nới lỏng.
Như tăng chi tiêu chính phủ bằng nguồn phát hành, giảm thuế, mở rộng đầu tư quá mức, tín dụng tăng trưởng nóng… thì mức tăng giá chỉ trong ngắn hạn sẽ không gây ra lạm phát. Xét về cung tiền tác động đến lạm phát có 2 chỉ tiêu cần xem xét đó là tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng.
Ảnh minh họa |
Đối với nền kinh tế Việt Nam, mặc dù tổng phương tiện thanh toán (M2) là đại diện cho cung tiền, nhưng những nhân tố làm tăng tổng phương tiện thanh toán tác động mạnh đến CPI là tín dụng với độ trễ khoảng từ 3-5 tháng.
Nhiều nghiên cứu trên đã chứng minh tín dụng có tác động thuận chiều đến lạm phát và với độ trễ ngắn hơn M2, đôi khi M2 còn tác động ngược chiều. Bởi tăng M2 ngoài yếu tố tín dụng còn do tăng dự trữ ngoại hối, yếu tố này tác động đến lạm phát là rất yếu so với yếu tố tín dụng. Ngoài ra là do chi tiêu khu vực chính phủ, song yếu tố này tương đối ổn định, dường như ít tăng qua các năm bởi tính kế hoạch trong chi tiêu ngân sách.
Năm 2016, đóng góp vào mức tăng giá chung trong rổ hàng hóa là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng rất cao với 55,72%, trong đó dịch vụ y tế là 77,57%. Tiếp đến là giá nhóm hàng giáo dục và dịch vụ giáo dục, còn các nhóm hàng hóa khác đều tăng ở mức thấp dưới 3% (trừ thực thẩm 3,34%). Sự tăng giá của hai nhóm hàng hóa này được xếp vào yếu tố “cầu kéo”. Yếu tố cung tiền năm qua từ điều tiết bởi chính sách tiền tệ đã được kiểm soát không tạo tác động lan tỏa làm gia tăng CPI.
Tính đến thời điểm 20/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015 (so với cùng kỳ năm trước tăng 13,55%) bình quân khoảng 19% cao hơn năm 2015 là 17%; nhưng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46%, bình quân năm nay khoảng 17% thấp hơn mức tăng 18% của năm 2015, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch.
Điều đó cho thấy nhân tố làm tăng tổng phương tiện thanh toán năm nay có khác so với năm 2015, với mức độ tác động đến CPI sẽ thấp hơn. Lạm phát cơ bản năm 2016 chỉ ở mức 1,87%, có nghĩa cung tiền đóng góp vào CPI chỉ ở mức 1,87%.
Có thể nói, đã rất nhiều năm qua mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội phê chuẩn ở mức không vượt quá 5%, nhưng trên thực tế hiếm khi đạt được ở mức sát nút như vậy, hoặc là quá cao hoặc là quá thấp so với mục tiêu. Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong thực thi chưa như mong muốn, bởi CPI quá thấp hoặc cao so với mục tiêu không phải là tốt cho tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với nền kinh tế Việt Nam, lạm phát nên được kiểm soát ở mức ổn định sát với mục tiêu sẽ phát huy hiệu quả cao đối với tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội.