Giá cả và lạm phát: Một năm điều hành thành công
Lạm phát năm 2016 ở mức 4,74% |
Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017” do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng ngày 29/12/2016đã phân tích thẳng thắn, sâu sắc và khoa học về các khía cạnh liên quan đến thị trường giá cả năm 2016 và khuyến nghị giải pháp cho năm 2017.
Ảnh minh họa |
Các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế ghi nhận “những giải pháp Chính phủ thực thi kịp thời trong năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP cả năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015; CPI năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015; Lạm phát cơ bản năm 2016 tăng 1,83% so với năm 2015”.
Tuy lạm phát được kiểm soát, điểm đáng lưu ý là CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 lại tăng 4,74% (cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,6% của cùng kỳ năm 2015), chủ yếu do Chính phủ chủ động điều chỉnh giá những dịch vụ thiết yếu như học phí, viện phí…
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4% - thấp hơn so với năm 2016. Nhưng theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): công tác quản lý điều hành giá trong năm 2017 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá.
Đó là giá hàng hóa và giá xăng dầu thế giới dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2017; đồng USD trên thế giới cũng có xu hướng tăng. Trong nước, áp lực từ việc tăng lương cơ sở 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng thực hiện từ 1/7/2017; lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp tăng từ 6,7-7,5% tùy vùng áp dụng từ 1/1/2017...
Chưa kể, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng: Giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước sinh hoạt... Ngoài ra, các nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và lệ phí, nếu tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá.
Cũng không loại trừ những biến động mang tính thời điểm về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố về thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp lễ, Tết; diễn biến về nhu cầu thế giới đối với các hàng hóa xuất khẩu của nước ta cũng tác động đến giá trong nước; xu hướng tăng giá vượt đáy của các loại hàng hóa trên thế giới.
CPI bình quân từ đầu năm đến từng tháng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước =100). Nguồn: Tổng cục Thống kê |
TS.Nguyễn Ngọc Tuyến (Học viện Tài chính) lưu ý, yếu tố tác động tới giá cả, thị trường lớn nhất năm 2017 sẽ là tỷ giá và giá cả một số sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Ông dự báo năm 2017, nếu dịch vụ y tế và giáo dục chỉ điều chỉnh tăng như mức tăng của năm 2016 thì CPI sẽ tăng trong khoảng 5%; còn nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục giữ như năm 2016 (không điều chỉnh tăng) thì CPI sẽ vào khoảng 3%.
GS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) lưu ý có sự thay đổi mạnh giá dầu vào thời điểm tân Tổng thống Mỹ chính thức nhậm chức ngày 20/1/2017. Việc tăng giá dầu trên thị trường thế giới có tác động truyền dẫn đến nền kinh tế Việt Nam chủ yếu thông qua xuất - nhập khẩu, đầu tư cho nên có thể làm tăng chỉ số lạm phát trong nước hay lạm phát nhập khẩu, tăng chỉ số CPI.
Phần lớn các ý kiến cho rằng lạm phát cao là nguy cơ của năm 2017, việc giữ được lạm phát ở mức tăng 4% như Quốc hội quyết là không dễ gì.
Có thể nói, các khía cạnh liên quan đến diễn biến giá cả và lạm phát đã được các chuyên gia phân tích một cách thẳng thắn, sâu sắc. Đây là những căn cứ khoa học và thực tiễn để dự báo và đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát, thực hiện tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 và những năm tiếp theo. Ðó là các giải pháp về tiền tệ tín dụng, tài khoá, tỷ giá hối đoái, quản lý thị trường và giá cả, thu nhập tiền lương, thương mại,… Những giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm 2017 mà còn cần đưa ra lộ trình nhằm góp phần giúp cho kinh tế nước ta phát triển ổn định trong trung và dài hạn.