Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất
Để giảm và ổn định lãi suất | |
Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay | |
Ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất |
Ngân hàng lớn hy sinh lợi nhuận
Nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2016 của một số NHTM, dễ nhận thấy, kế hoạch tăng trưởng cả năm đều bị điều chỉnh giảm so với năm 2015. Lý do được hiểu là từ năm 2015 chênh lệch lãi suất huy động và cho vay không còn nhiều. Cộng với việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC, một số NH dù tăng trưởng tín dụng cao, nhưng hoạt động kinh doanh dự báo không đạt như kỳ vọng.
Hơn nữa, câu chuyện kéo giảm lãi suất cho vay tiếp tục là chủ điểm trong năm 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên chắc chắn lợi nhuận của các NHTM sẽ bị co kéo.
Đơn cử, theo tính toán của BIDV, năm vừa qua, việc giảm lãi suất đã khiến BIDV giảm thu khoảng 400 - 450 tỷ đồng. Trong khi năm nay, tín dụng bất động sản bị siết lại, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến giảm từ 60% xuống 40%. Cộng thêm việc để giữ khách hàng, NH này vẫn liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên mức 6,4-8%/năm…
Ước tính, tỷ lệ thu từ tín dụng của BIDV sẽ giảm thêm vài trăm tỷ đồng trong năm 2016. Thế nhưng, không vì những rào cản trên mà NH trì hoãn việc giảm lãi suất cho vay theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, từ 29/4, BIDV đã công bố cho vay VND đối với các khoản vay mới giảm thêm 0,5%/năm (so với mức lãi suất hiện tại) đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; vay trung, dài hạn tối đa không quá 10%/năm. Để làm được điều đó, lãnh đạo BIDV cho biết đang xin NHNN đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn.
Tương tự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của Vietcombank, dù đạt kết quả kinh doanh tốt song NH này cũng đang vấp nhiều khó khăn. Đó là chi phí hoạt động trong quý tăng gần 42% so với cùng kỳ; lợi nhuận quý 1/2016 dù tăng nhưng đấy là do trích lập dự phòng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2015.
Áp lực lớn nhất của các NH giảm lãi vay hiện nay là lạm phát đang tăng |
Tuy nhiên, cũng giống như BIDV, bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp bù đắp, Vietcombank vẫn tiếp tục hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND về tối đa 10% trong thời gian 1 năm để hỗ trợ DN.
NH này còn dành gói ưu đãi lãi suất khoảng 300 tỷ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ DN. Tính đến cuối tháng 3/2016, dư nợ cho vay đạt 422.634 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3% so với cuối năm 2015.
Còn ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank thì cho biết, đối với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn, NH ông đã điều chỉnh giảm lãi suất 1% so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại mà NH đang áp dụng.
Để thực hiện điều này, VietinBank đã phải hạ chỉ tiêu lợi nhuận, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp như kiểm soát chất lượng tín dụng, chọn lọc khách hàng tốt để không phát sinh các khoản nợ xấu, nợ có vấn đề làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro; xử lý mạnh, thu hồi các khoản nợ có vấn đề để tái tạo nguồn vốn kinh doanh, tiết kiệm các khoản chi phí để có điều kiện hạ lãi suất cho vay...
Ngân hàng nhỏ đang giảm lãi vay
Không chỉ các NHTM có cổ phần Nhà nước chi phối, các NHTMCP hiện cũng đang “thắt lưng buộc bụng” để kéo lãi suất về thấp hơn. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, NH phải hạ lãi suất cho vay trong thời điểm lãi suất huy động vẫn tăng. Trong khi lạm phát đang tăng và dự báo năm nay khoảng 3-5%, cao hơn nhiều so với mức 0,63% của năm 2015, nhưng vẫn phải cân đối lãi suất huy động để người gửi tiền không bị thiệt thòi.
Một lý do nữa buộc NH phải tăng lãi suất huy động là lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm, nếu chênh lệch lãi suất VND và USD giảm xuống dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, cản trở mục tiêu chống đô la hóa…
“Đối với NH hiện nay, tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay là không thể tránh khỏi. Theo đó, mỗi NH phải tính toán làm sao để có thể cân đối được các chiến lược hài hòa nhất. Với OCB, chúng tôi chọn giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động NH tương đương với mức giảm lãi suất. Đơn cử, nếu lãi suất huy động tăng 0,5%, lãi suất cho vay điều chỉnh giảm 0,5% thì chi phí hoạt động phải được giảm từ 1- 1,8%”, ông Tùng chia sẻ.
Cũng có cam kết giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống 10%/năm, lãnh đạo TPBank và SHB cho biết trước mắt, họ sẽ cắt giảm lãi suất 0,5%/năm so với mức hiện hành đang áp dụng.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, việc giảm lãi suất không phải chỉ vì chỉ đạo từ trên xuống mà chủ yếu xuất phát từ mong muốn hỗ trợ DN của chính ngân hàng. Thực tế, tăng trưởng trong hoạt động ngoại thương không mấy khả quan, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ khối FDI trong khi giá trị xuất nhập khẩu của khối DN trong nước gần như không đổi.
Có thể nói việc giảm lãi suất cho vay hiện nay của các NH dù chỉ tập trung cho một số lĩnh vực ưu tiên nhưng là động thái mang tính định hướng, tạo ra hiệu ứng tốt lên thị trường. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, đối với lãi suất, thông điệp mới nhất về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cùng với hành động của các NHTM đã phần nào giảm bớt sự lo ngại lãi suất cho vay đang có chiều hướng gia tăng.
Cuối tháng 4/2016, NHNN cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo giảm 1% lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên. Qua khảo sát của NHNN trên địa bàn, định hướng trên đã nhận được sự đồng thuận của nhiều NHTM lớn. Không chỉ vậy, một số NHTMCP như Sacombank, ACB, SCB… cũng tham gia cung cấp gói tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên với lãi suất rất ưu đãi, ghi nhận được sự hài lòng của DN.
Khi điều kiện trên thị trường tiền tệ đủ ổn định để hiện thực hóa việc giảm lãi suất cho vay, các NHTM kỳ vọng DN phải kết nối tốt hơn với bên cho vay để sử dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ.