Ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất
Tiết giảm trăm nghìn tỷ để hạ lãi vay
Trong Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế” diễn ra ngày 29/4 ở TP.HCM, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cam kết rằng: ngay trong những ngày tới đây, NHNN sẽ ban hành một Chỉ thị mới đối với các TCTD nhằm triển khai các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định lãi suất cho vay và đảm bảo an toàn hệ thống.
Song song đó, để hiện thực hóa yêu cầu giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN cũng thông tin rằng, NHNN sẽ trực tiếp chỉ đạo các NHTM lớn trong hệ thống để có kế hoạch, thông báo chính thức về việc hạ lãi suất cũng như các điều kiện, trường hợp được áp dụng mức lãi suất thấp hơn so với thị trường.
Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống NH đang ở mức hợp lý. Bởi nếu so sánh với thời kỳ 2011, mặt bằng lãi suất cho vay chung trong toàn hệ thống đã giảm khoảng 40%, đồng thời mức lãi suất trung bình 8%/năm hiện nay cũng thấp hơn cả mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế Việt Nam rất ổn định.
NHNN sẽ trực tiếp chỉ đạo các NHTM lớn trong hệ thống để có kế hoạch, thông báo chính thức về việc hạ lãi suất |
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho rằng, với mức lãi suất dao động từ 7-11%/năm (tùy theo các kỳ hạn) thì mức lãi suất cho vay hiện nay của các NHTM Việt Nam có thể xem là tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Bởi lẽ, giá vốn của các NHTM hiện nay trung bình ở mức 7,8%. Trong đó lãi suất huy động 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự trữ thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%.
Như vậy, nếu cho vay 8%/năm thì tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các NHTM Việt Nam chỉ khoảng 0,69%. Mức này là rất thấp so với mức 2,2-2,5% của các TCTD ở các nước khác thuộc khối ASEAN.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương hạ lãi suất cho vay các kỳ hạn để hỗ trợ cộng đồng DN tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ. NHNN đã đưa ra yêu cầu về việc tiết giảm chi phí quản lý điều hành, chi phí kinh doanh và ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của 4 NHTM lớn là: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank.
Theo đó BIDV cam kết ngay trong năm 2016 sẽ đặt mục tiêu tiết giảm khoảng 500-600 tỷ đồng để phục vụ việc giảm lãi suất. Lãnh đạo NH này cũng cam kết sẽ thực hiện giảm ngay 0,3-0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung – dài hạn về mức tối đa 10% đối với các khách hàng có quan hệ tín dụng tốt theo các tiêu chí đánh giá khách quan.
Vietcombank cũng dự kiến tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí kinh doanh trong năm 2016 và giảm ngay mức lãi suất trung – dài hạn về tối đa 10%/năm cho các khách hàng uy tín. Trong khi đó VietinBank cũng hứa sẽ xem xét giảm 0,5-1% lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực trọng điểm, được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Trong bối cảnh chưa thể có ngay một gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành riêng cho nhóm DN khởi nghiệp, NHNN cần chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu tạo ra một gói tín dụng đặc thù phục vụ cho cộng đồng các DNNVV. |
Theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc NHNN và các NHTM nhanh chóng đưa ra giải pháp để hạ lãi suất cho vay là một phản ứng hết sức tích cực từ phía ngành Ngân hàng.
Bởi vì nhu cầu hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế thực tế đã được Chính phủ đặt ra từ nhiều tháng nay, nhưng do các vấn đề liên quan đến nợ xấu, liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% (năm 2016) và kìm giữ lạm phát ở mức dưới 5% khiến cho ngành NH khó có thể hạ lãi suất cho vay. Đặc biệt là trong bối cảnh từ đầu 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động lại có chiều hướng tăng nhẹ.
Điều đó có nghĩa rằng để cố gắng hạ được 1% lãi suất, các NHTM buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi phí hoạt động kinh doanh và tiết giảm các chi phí quản lý, bao gồm cả lợi nhuận.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho các NHTM có dư địa giảm thêm lãi suất, NHNN có thể nghiên cứu đến các giải pháp như điều chỉnh giảm một phần tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xem xét đến các giải pháp hỗ trợ các TCTD khác như đẩy nhanh quá trình tái cấp vốn và cấp bù lãi suất, thậm chí có thể điều chỉnh giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ để giảm áp lực tăng lãi suất và áp lực vốn trung hạn đối với các NH.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều kiến nghị từ các hiệp hội ngành hàng đặt vấn đề ngành NH cần hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trước bối cảnh tăng trưởng chung của nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung và Tây Nguyên khiến cho các địa phương thiệt hại lớn, thêm vào đó tính đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống các TCTD đã tăng hơn 3% so với cuối năm 2015 và cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Do vậy, chủ trương của NHNN là sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng tăng trưởng nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ và theo sát những diễn biến thị trường để cân đối và đảm bảo các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đặt ra cho ngành NH trong năm 2016. Đó là vừa kìm giữ lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cộng đồng DN sản xuất kinh doanh.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng Chủ trương của NHNN là sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng tăng trưởng nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ và theo sát những diễn biến thị trường để cân đối và đảm bảo các mục tiêu vĩ mô. |
Chưa thể có gói tín dụng riêng cho khởi nghiệp
Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho cộng đồng DN kiến nghị: Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống NH giảm 1-2% lãi suất ở các kỳ hạn và thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các NH vào khu vực DNNVV cũng như khu vực sản xuất kinh doanh chứ không tập trung quá nhiều vào các DN lớn và khu vực kinh doanh bất động sản.
Song song đó, để hỗ trợ các DN khởi nghiệp, NHNN cần triển khai một gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường 2-3% cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ (tương tự như gói 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội).
Tuy nhiên, trao đổi về khả năng có thể đưa ra một gói tín dụng đặc thù cho các DN khởi nghiệp như kiến nghị trên của ông Lộc, ông Trương Văn Phước cho rằng, thời điểm này là chưa thể làm được. Bởi hầu hết các DN khởi nghiệp đều bắt đầu kinh doanh dựa trên những ý tưởng mới, nguồn vốn sẵn có và tài sản thế chấp của các DN này hầu như không đáng kể, nên khi vay vốn NH hầu như phải thế chấp bằng các tài sản vô hình như bằng sáng chế; phương án, ý tưởng kinh doanh…
Trong khi đó, hiện nay những quy định pháp lý về việc thế chấp bằng tài sản vô hình để vay vốn chưa được cụ thể hóa. Các NHTM do đó không dám mạo hiểm cho vay và e ngại độ rủi ro có thể dẫn tới mất vốn, thậm chí vi phạm vào những nguyên tắc mà luật pháp về hoạt động tín dụng đã quy định.
Nhiều ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, các NHTMCP lớn đã tiên phong phát đi thông điệp về việc hạ lãi suất cho vay để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các DN. Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10% trong thời gian 1 năm để hỗ trợ các DN trực tiếp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Vietcombank đưa ra gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ DN trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng. Với gói giải pháp này từ Vietcombank, các DN không những được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NH mà còn được NH hỗ trợ triển khai phương án kinh doanh với hiệu quả tối ưu, phát triển hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng khẳng định, thời gian tới, đối với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn, VietinBank sẽ cho vay với lãi suất không vượt quá 10%/năm, đối với những dự án được NH đánh giá là tốt thì lãi suất cho vay còn tiếp tục giảm so với mặt bằng lãi suất thêm khoảng 1%/năm. Ông Lê Đức Thọ cho rằng: “Thực tế, mức lãi suất cho vay với DN và dân cư đã ở mức tương đối hợp lý. Nhưng để tiếp tục giảm thêm được lãi suất, phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như kiểm soát chất lượng tín dụng, chọn lọc khách hàng tốt để không phát sinh các khoản nợ xấu, nợ có vấn đề làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro”. NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn: Giảm đến 0,5%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay trung dài hạn: Tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, BIDV đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính... Theo đó, trong thời gian tới, BIDV tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Đồng thời, BIDV tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập... Đặc biệt, từ nay đến cuối 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính... |
Tìm hiểu thực tế, tại Việt Nam hiện nay việc vay vốn đảm bảo bằng tài sản vô hình chưa diễn ra phổ biến. Một số TCTD mặc dù đã áp dụng các phương án thế chấp bằng tài sản bán hữu hình như: hợp đồng bán hàng có bảo đảm, cổ phiếu/trái phiếu, hóa đơn lưu kho… Tuy nhiên cách thức này cũng chưa được thực hiện nhiều.
Thời điểm năm 2008, VietinBank là NH đầu tiên áp dụng một hợp đồng cho vay thế chấp bằng quyền sở hữu trí tuệ nhưng sau đó không đạt được kết quả như mong muốn dẫn đến NH chịu thiệt. Từ đó đến nay chưa có NH nào tại Việt Nam áp dụng hoạt động này.
Trong bối cảnh chưa thể có ngay một gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành riêng cho nhóm DN khởi nghiệp như phân tích ở trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo NHNN chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu tạo ra một gói tín dụng đặc thù phục vụ cho cộng đồng các DNNVV.
Trong đó xem xét những điều kiện để hỗ trợ tối đa các DN mới bắt đầu đi vào hoạt động nhưng có ý tưởng kinh doanh khả thi, phù hợp với chủ trương khuyến khích của Chính phủ, đồng thời hướng đến những giá trị kinh doanh mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới.
Giảm lãi suất là một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh để giữ vững mức tăng trưởng GDP 6,7% như kế hoạch đã định từ đầu năm của Chính phủ |
Trước những ý kiến hết sức thẳng thắn, phản ánh tình trạng khó khăn, chật vật của DN để tìm đường phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe, đồng thời có phương hướng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị trình cấp có thẩm quyền xem xét đối với từng ý kiến của DN.
Cụ thể, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập hợp, rà soát, hoàn thiện các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trong đó có các giấy phép con, tăng cường công tác hậu kiểm. Đồng thời, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh để đảm bảo sự cần thiết, tính hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Đặc biệt, đối với vấn đề nguồn lực hỗ trợ tạo điều kiện cho DN phát triển, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tăng cường tạo điều kiện để DN có cơ hội thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng. Điều này cũng xuất phát từ thực tế được nêu ra, hiện chỉ có khoảng hơn 30% các DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng từ NHTM, còn lại gần 70% DNNVV phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí và rủi ro rất cao.
Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường vốn, khuyến khích các hình thức huy động vốn phục vụ phát triển DN, trong đó có các DNNVV thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, quỹ bảo lãnh tín dụng…
Với quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương đã đưa ra chương trình hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, không để cộng đồng DN phải chờ đợi, hay có thêm những bức xúc trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh vì bị cản trở, ràng buộc.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa Thời gian gần đây tình trạng các DN ngừng hoạt động, giải thể diễn ra với số lượng đáng kể. Cụ thể, kể từ khi Luật DN ra đời, đến nay đã có 941.000 DN được thành lập, nhưng đến hết năm 2015, cả nước chỉ còn hơn một nửa số DN hoạt động (chiếm 54,5%), số còn lại đã ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau. Riêng trong quý I/2016 cũng có gần 23.000 DN chết “lâm sàng”, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ dừng lại ở con số thống kê về số lượng, VCCI cũng đưa ra minh chứng cụ thể cho thấy DN Việt không chỉ nhỏ mà năng lực cũng rất yếu, bởi trong số các DN đang hoạt động thì có đến hơn một nửa (tương đương 58%) DN đang rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc cầm cự để tồn tại. Con số này là hồi chuông đáng báo động khi chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong nền kinh tế đang phát triển là điều bất thường. Vấn đề này cho thấy hiệu quả kinh doanh của các DN thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần nhanh chóng có những giải pháp và chính sách quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN phát triển. Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam: Doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ nhiều mặt Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN để đưa ra những giải pháp sao cho phù hợp. Tuy nhiên, trước khi rút ra những kết luận, đưa ra các quyết sách để thay đổi, thực thi, cần lấy ý kiến của các DN xem họ cần gì, mong muốn gì sau đó mới triển khai, áp dụng vào thực tế. Có một thực tế, nhiều DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề đang nỗ lực tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, rất cần có sự hỗ trợ về mọi mặt. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận chính sách, tiếp cận nguồn vốn… chưa thực sự bình đẳng. Cùng với đó, cần thông qua hình thức trực tuyến những thủ tục thuế, hải quan để tránh tình trạng nhũng nhiễu, làm tăng chi phí DN. Đã đến lúc các cơ quan hành chính công cần phải có quan điểm phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng DN để tạo ra môi trường bình đẳng, thông thoáng cho các DN dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội phát triển như nhau. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen: Nên để cho doanh nghiệp được bỏ phiếu tín nhiệm các bộ ngành Quốc hội đã từng bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, nên chăng hãy để cho DN đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm với các bộ ngành mà DN thường xuyên tiếp xúc, làm việc để có thể đánh giá thực chất sự thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính đến đâu. Trong quá trình hội nhập hiện nay cần phải thay đổi tư duy mới có thể tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Không nên có sự phân biệt giữa đối xử giữa các DNNN với tư nhân mà chỉ nên có một khái niệm chung DN Việt Nam thì mới tạo động lực môi trường phát triển. Không quan trọng DN thuộc mô hình nào, mà quan trọng là DN nào làm tốt vai trò của mình thì vẫn có thể dẫn dắt kinh tế đất nước. Khi đó, cộng đồng DN Việt Nam mới có thể tự tin bước vào quá trình hội nhập, cạnh tranh với các DN, tập đoàn lớn từ bên ngoài. |