Để giảm và ổn định lãi suất
Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay | |
Nhiều ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay |
Hoạt động an toàn, hiệu quả là cái đích mà các TCTD hướng tới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó các NHTM thường xuyên phải đối mặt và giải quyết những rủi ro có thể xảy ra. Bởi bản chất hoạt động của NHTM là trung gian tài chính, nên trong quá trình hoạt động chịu tác động bởi rất nhiều các nhân tố đến tính an toàn và hiệu quả, trong đó tác động của nhân tố chính sách luôn là những vấn đề phải giải quyết.
Ảnh minh họa |
Đơn cử, trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn mức 6,12% của quý I/2015. Trong khi đó, phía trước còn nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt như: biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiễm mặn, môi trường độc hại...
Vì vậy, động thái giảm và ổn định lãi suất cho vay trong thời điểm này của các NHTM thực sự đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và đến hoạt động của các NHTM nói riêng.
Bởi, một khi lãi suất cho vay giảm, sẽ tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành sản phẩm, phục hồi sản xuất, qua đó tiếp tục vay vốn ngân hàng để sản xuất, tạo doanh thu, lợi nhuận cho các DN, dòng vốn được quay vòng, nợ xấu ngân hàng không phát sinh, DN phục hồi sản xuất sẽ có điều kiện trả nợ ngân hàng, nợ xấu sẽ giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, thì các NHTM cũng đang phải xử lý bài toán khó phát sinh từ chính sách lãi suất này. Lạm phát đang có xu hướng gia tăng, theo Tổng cục Thống kê tháng 4/2016 chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,33% so với cuối năm 2015 và tăng 1,89% so với cùng kỳ. Mức tăng này không phải là cao so với mục tiêu, nhưng nhiều yếu tố có thể sẽ làm cho lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo nếu không có những giải pháp ngăn chặn đà gia tăng này.
Ví như giá gạo quốc tế đang có xu hướng tăng mạnh do các nước cung cấp gạo hàng đầu trên thế giới đang gặp hạn hán kéo dài, vựa lúa của Việt Nam đang nhiễm mặn, giá dầu cũng có xu hướng tăng, nợ công tăng… trong khi đó lạm phát là yếu tố quan trọng làm gia tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, các NHTM đang phải đối mặt với cạnh tranh lãi suất huy động đang ở mức cao, lãi suất cho vay ở mức thấp, có thể nói mức chênh lệch lãi suất đầu vào với đầu ra của các NHTM đang thu hẹp.
Mặc dù vậy, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ở cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng DN ngày 29/4/2016 tại TP.HCM. Các NHTM Nhà nước, NHTM Nhà nước có cổ phần chi phối và một số các NHTMCP đã đồng thuận thực hiện giảm lãi suất ở một số lĩnh vực và đối tượng. Vậy đâu là cơ sở để các NHTM tiếp tục giảm lãi suất và tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay?
Cơ sở quan trọng có tính quyết định cho tính khả thi của giải pháp này, đó là sự vào cuộc với quyết tâm cao của người đứng đầu và cả hệ thống ngân hàng.
Thống đốc NHNN đã kêu gọi các TCTD tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động; quyết tâm nâng cao vị thế đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối; tiếp tục tái cơ cấu có hiệu quả hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cảnh báo kịp thời cho các TCTD khi có tăng trưởng tín dụng cao, hoặc đầu tư vào các ngành nghề kém hiệu quả…
Tất cả những yêu cầu đặt ra này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chính sách giảm và ổn định lãi suất, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN mà Chính phủ đã và đang triển khai mạnh.