Ngân hàng ngoại gia tăng hiện diện
Ngân hàng ngoại cho vay mua căn hộ | |
Ngân hàng ngoại nhận định tích cực về quyết định điều chỉnh tỷ giá | |
Ngân hàng ngoại hiến kế tăng trưởng tín dụng |
Sự kiện NHNN mới đồng ý về nguyên tắc cho Woori Bank (Hàn Quốc) thành lập 100% vốn tại thị trường Việt Nam khiến thị trường xuất hiện thông tin NH nội sẽ chịu nhiều sức ép trước xu hướng hội nhập. Nhất là trong bối cảnh hệ thống NH trong nước nhiều năm qua phải chật vật với việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu.
Nếu Woori Bank được thành lập thì Việt Nam sẽ có 7 NH 100% vốn ngoại. Số lượng chi nhánh của khối NH này những năm qua cũng tăng từ mức 31 điểm năm 2006 lên 50 điểm của năm 2016, chưa tính 50 văn phòng đại diện và các NH liên doanh. Kể từ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay số lượng chi nhánh NH nước ngoài hiện diện ở Việt Nam đã tăng 51,4%.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nếu so với thời điểm NH nước ngoài mới vào Việt Nam với số vốn đăng ký từ 15-20 triệu USD, thời hạn hoạt động từ 20-30 năm, hiện nay vốn của các NH ngoại đã tăng gấp nhiều lần.
NH ngoại chủ yếu nhắm vào các phân khúc cao cấp |
Bên cạnh sự thay đổi về lượng, chiến lược kinh doanh của các NH ngoại cũng thay đổi. Trước đây, NH ngoại chỉ tập trung tìm kiếm các DN FDI để cấp vốn và tương đối e dè với các DN Việt Nam thì nay, họ đang tiếp cận rất sát các DN nội. Khối ngoại đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí như trước.
Điều đó lý giải vì sao thị trường cho vay gần đây xuất hiện lãi suất của các NH nước ngoài rất cạnh tranh. Ví dụ: cho vay mua nhà, mua xe ô tô của NH Singapore UOB lãi suất và điều kiện vay tốt hơn các NH nội. Họ cho vay mua xe cố định lãi suất 7,25%/năm trong 12 tháng đầu, năm tiếp theo dựa trên lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank cộng thêm 3,5% đối với kỳ hạn 5 năm.
Ngược lại với khối ngoại, các NH nội mấy năm gần đây đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên rất khó khăn trong việc giảm lãi suất các khoản vay tiêu dùng vốn là thế mạnh của NH ngoại. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận một thực tế những khó khăn của các NH nội. Ví như NH ông, tổng chi phí trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu của NH đang tăng cao, năm 2015 là 3.278 tỷ đồng, tăng 2.298 tỷ đồng so với năm trước.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, năm 2015, NH đã xử lý và thu được 1.300 tỷ đồng nợ xấu; bán cho VAMC là 600 tỷ đồng. Lợi nhuận OCB năm 2015 chỉ đạt được 70% chỉ tiêu đặt ra đầu năm một phần do OCB phải trích dự phòng rủi ro cao…
“Thị phần huy động vốn của khối NH ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 5%, tín dụng ước khoảng 15%. Dịch vụ của các NH trong nước đa dạng, các NH nội hiểu khách hàng của mình hơn các NH ngoại, nên các NH ngoại đang tăng tốc về số lượng nhưng chưa phải áp lực” - ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo NH trong nước vẫn tự tin về khả năng cạnh tranh trên thị trường của các NH nội trong tăng trưởng tín dụng. Nhiều NH nội đang nâng chất lượng quản trị thông qua hoạt động tái cấu trúc. Ngoài ra các NH có thể giám sát nợ nần, công quỹ, thẩm định lại các dự án, thẩm định cho vay thông qua hệ thống công nghệ thông tin để tiết giảm chi phí tối đa.
Theo một lãnh đạo NH, hiện có 10 NH trong nước đang thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II sẽ nâng chất lượng quản trị lên ngang với các NH quốc tế. Trong đó phải kể đến trường hợp TPBank kể từ sau đại hội cổ đông tháng 4/2012, đề án tái cơ cấu của NH này đến nay đã cơ bản hoàn tất về cơ cấu tổ chức. Hệ thống mạng lưới chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ đa dạng và được khách hàng đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn huy động từ dân cư của NH này tăng gấp đôi, nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Với lợi thế am hiểu địa phương và sự nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, các NH nội đang có những đường hướng phát triển khá tốt. Khả năng cạnh tranh với khối ngoại cũng được các chuyên gia đánh giá là cơ hội đang chia đều cho những NH nào biết nắm bắt cơ hội.