Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức
Hoàn thiện khung khổ pháp lý: Nền tảng phát triển ngân hàng số | |
Ngân hàng số: Xu thế tất yếu của tương lai | |
Nỗ lực thúc đẩy công nghệ ngân hàng số |
Từ nhận thức tới hành động
Những nhìn nhận về xu thế phát triển cũng như đặt ra hành lang pháp lý cho hoạt động của NH số tại Việt Nam đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” do NHNN tổ chức, ngày 19/12.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, NH số là xu hướng chủ đạo hiện nay, nó giúp các TCTD đa dạng và tối ưu các dịch vụ, giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Để chuyển đổi số thành công, các NH phải chiếm lĩnh được thị trường thanh toán số. Bối cảnh thanh toán hiện nay đã chuyển biến mạnh mẽ về số hóa với những xu hướng rõ nét như: kỳ vọng của khách hàng cao trong kỷ nguyên số, sự nổi lên của các công nghệ mới, sự gia nhập những loại hình tổ chức mới vào lĩnh vực thanh toán và xu hướng cơ quan quản lý ban hành những quy định thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh. Những xu hướng trên một mặt đem lại cơ hội lớn cho các NH tuy nhiên, cũng mang lại không ít những thách thức cho cả các NH và cơ quan quản lý.
Khi triển khai NH công nghệ số thì một trong những khó khăn là phải thay đổi nhận thức. Ông Võ Tấn Long – Giám đốc Khối CNTT của VPBank cho rằng, nhận thức về NH công nghệ số không chỉ đòi hỏi thay đổi từ cơ quan quản lý, bản thân TCTD mà còn từ khách hàng, hệ sinh thái quanh họ.
Thách thức nữa được ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT Vietcombank đề cập chính là khác với NH truyền thống, khi chuyển sang môi trường số có sự hạn chế trong việc tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên NH. Việc xác thực khách hàng trên yêu cầu nền tảng công nghệ đặc thù như hệ thống xác thực sinh trắc học, chứng minh thư điện tử, chữ ký số cũng như các vấn đề pháp lý liên quan mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó là nguy cơ về an ninh bảo mật đòi hỏi các TCTD phải tăng cường giám sát giao dịch, đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát rủi ro, bảo mật thông tin khách hàng, bảo mật an ninh trong giao dịch trực tuyến.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: Đang có những bước đi tới mô hình ngân hàng số Ở Việt Nam, các NHTM đã và đang có những bước đi cần thiết để hướng tới mô hình NH số. Nhưng trong kỷ nguyên công nghệ số, những quy định truyền thống hiện nay có thể không theo kịp với sự phát triển của những sản phẩm, dịch vụ “số hóa”. Giải pháp công nghệ cho vấn đề trên có thể kể đến như: định danh khách hàng qua công nghệ sinh trắc học, công nghệ sổ cái phân tán, hay thông qua NH đại lý; hay việc sử dụng chữ ký số, mã vạch ma trận (QR code), khả năng truy cập vào các cơ sở dữ liệu, tàng thư về thông tin căn cước, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Để triển khai các giải pháp này, đòi hỏi quan trọng đầu tiên là phải có hành lang pháp lý đồng bộ cho các giao dịch tài chính được số hóa của các định chế tài chính nhằm phục vụ khách hàng thuận lợi, an toàn và bảo mật cho người sử dụng lẫn khả năng kiểm soát, phòng chống gian lận, tội phạm của các cơ quan quản lý... |
Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần làm gì?
Từ thực tiễn triển khai, theo ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC: để có thể đáp ứng xu hướng NH số, cơ quan quản lý Nhà nước phải giúp cho sự kết nối của hệ thống TCTD với trung tâm dữ liệu thông tin cá nhân và Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam (CIC). Thực tế khi HSBC tiến hành cấp thẻ tín dụng nhiều năm tại Trung Quốc thì với sự kết nối trung tâm dữ liệu được đồng bộ đã giúp khách hàng trải nghiệm tốt hơn.
Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính, NH E&Y Việt Nam cho biết, hiện một số quốc gia đã bắt kịp xu thế và dẫn đầu trong quá trình hiện thực hóa NH số như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore. Về hành lang pháp lý, Chính phủ Singapore tích cực ủng hộ sự phát triển của ngân hàng số. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cho ra mắt Khung thử nghiệm pháp lý (Regulatory Sandbox) cho phép đăng ký thử nghiệm các sản phẩm công nghệ tài chính. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bước đầu phát triển NH số tại Việt Nam? Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, để có thể áp dụng trong lĩnh vực NH đòi hỏi Chính phủ, NHNN và các NHTM phải nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật kết hợp với lộ trình tích hợp xác thực khách hàng qua các kênh điện tử.
Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương, Chính phủ và NHNN nên xem xét và nghiên cứu xây dựng quy định về e-KYC nhằm hỗ trợ tối đa cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính NH. Một số công nghệ có thể cân nhắc áp dụng là công nghệ sinh trắc sinh học (vân tay/võng mạc) hoặc các thiết bị điện tử hỗ trợ cho việc nhận dạng và xác thực khách hàng như cuộc gọi trực tuyến (video call),… Việc triển khai có thể được thực hiện theo lộ trình hoặc cho phép áp dụng với những giới hạn nhất định như: giá trị chuyển khoản tối đa, hay phải được giới thiệu bởi một khách hàng đã được thực hiện đầy đủ quy trình nhận diện và xác thực khách hàng hiện hữu (KYC thông thường) tại ngân hàng hoặc ngân hàng khác…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể thử nghiệm cho phép TCTD truy cập vào hệ thống dữ liệu Căn cước công dân hoặc hệ thống dữ liệu ghi nhận các thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh của DN tại các Sở Kế hoạch Đầu tư của các tỉnh/thành phố để định danh khách hàng dựa trên mã số định danh do khách hàng cung cấp. Về lâu dài, có thể cân nhắc xây dựng khung pháp lý và triển khai áp dụng chữ ký điện tử, chữ ký số. Theo đó, các thông tin đặc trưng của người ký được mã hóa dưới định dạng số, giúp cho việc định danh và xác nhận các giao dịch ngân hàng được tiến hành một cách nhanh chóng và bảo mật.