Ngân hàng trước xu hướng CPTPP
Hướng gỡ khó cho doanh nghiệp Việt | |
Dệt may Việt rộng cửa vào thị trường Úc | |
CPTPP: Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều nhất |
Cơ hội…
Theo các chuyên gia ngân hàng, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cơ hội rất lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Cơ hội lớn nhất là thị trường mở rộng cho phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng. Theo đó, những cam kết phát triển dịch vụ và tự do thương mại của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt cho các ngân hàng mở rộng thị phần cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ ngoại hối, thanh toán quốc tế, dịch vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực hợp tác.
Cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức khi thị trường hội nhập |
Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ ngân hàng hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến cũng như nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài. Sự cọ sát trong hoạt động kinh doanh cũng là cơ hội để các ngân hàng trong nước nâng mình lên một tầm cao mới.
Đặc biệt, việc mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo các cam kết song phương và đa phương sẽ là điều kiện tốt để thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng khơi thông và gia tăng nguồn vốn. Ngoài ra, việc bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ cũng sẽ giúp luân chuyển nguồn vốn tín dụng nhanh và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn.
… và thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức khi Việt Nam thực thi các cam kết trong CPTPP.
Thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh cũng sẽ ngày một lớn và gay gắt hơn. Việc mở cửa hội nhập, kéo theo một lượng lớn các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý tham gia vào thị trường tài chính nội địa và sự cạnh tranh gay gắt giữa khối ngân hàng trong nước và các ngân hàng nước ngoài là điều khó có thể tránh khỏi. Trong khi năng lực cạnh tranh là điều đáng lo với các ngân hàng nội do quy mô vẫn còn khá nhỏ bé, năng lực quản trị vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ còn hạn chế.
Theo ông Tô Duy Lâm – Giám đốc NHNN TP.HCM, thách thức còn đến từ chính những vấn đề nội tại của hệ thống, đó là chất lượng tăng trưởng và chất lượng dịch vụ. Những yếu tố này chưa cao chưa bền vững nên mỗi khi thị trường có biến động hoặc suy thoái kinh tế theo chu kỳ thì hệ thống ngân hàng vẫn bị tổn thương lớn hơn so với các ngân hàng nước ngoài cũng hoạt động trên thị trường Việt Nam.
Trong quá trình mở rộng thị trường, cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ chủ động hơn trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực công nghệ, vốn, lao động được chu chuyển thuận lợi giữa các quốc gia thành viên CPTPP. Nhưng nó cũng là thách thức đối với các ngân hàng trong nước trong việc thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thậm chí có khả năng chảy máu chất xám sang ngân hàng ngoại.
Thách thức còn đến trong quản lý và điều hành chính sách tiền tệ trước các vấn đề đặt ra về: diễn biến thị trường tiền tệ thế giới, biến động của đồng tiền mạnh; lãi suất và tỷ giá trên thị trường quốc tế và khu vực; cán cân thanh toán…
Có thể thấy, hội nhập kinh tế quốc tế mang đến cả cơ hội cũng như thách thức đối với hệ thống ngân hàng, đòi hỏi hệ thống ngân hàng không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, để không chỉ đứng vững, mà còn khẳng định vị trí của mình trong khu vực và quốc tế. Việc xác định và tận dụng tốt cơ hội cũng như ứng phó hiệu quả thách thức mà CPTPP đem lại là điều kiện then chốt để không chỉ các NHTM, mà cả NHNN Việt Nam chủ động ứng phó với nhiều tình huống có thể xảy ra, khi áp lực từ môi trường kinh tế quốc tế bên ngoài ngày một gia tăng dưới tác động của hội nhập, từ đó, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của khu vực ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh buộc các ngân hàng phải tạo ra những sản phẩm tài chính có chất lượng cho người tiêu dùng. Điều này, thúc đẩy các ngân hàng phải chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh, xây dựng và phát triển chiến lực phù hợp với xu thế phát triển. Sức ép cạnh tranh buộc các ngân hàng phải tự cải cách, tự hoàn thiện, đổi mới mình để giữ vững thương hiệu mới có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước mà không bị loại ra khỏi cuộc chơi trên chính sân nhà. Từ đó những giải pháp về vốn sẽ được các ngân hàng đưa ra thiết thực hơn, cùng với đó là nguồn nhân lực, quản trị, chiến lược kinh doanh của các ngân hàng sẽ có chất lượng hơn.