Ngân hàng Ý trước nguy cơ trì hoãn sáp nhập
Sáp nhập các ngân hàng được coi là một cầu nối vượt qua khó khăn, đẩy mạnh công cuộc cải cách do ông Matteo Renzi, Thủ tướng Ý, phát động. Mục tiêu là kích hoạt các vụ sáp nhập giữa 10 ngân hàng lớn nhất nước Ý, nhằm cải thiện tình hình của hệ thống ngân hàng quốc gia này.
Trong quý trước, ông Renzi cũng đã tiến hành những cải cách liên quan đến vấn đề cho vay trong hệ thống ngân hàng từng được xác định là nguyên nhân khiến nền kinh tế bị yếu kém. Tuy nhiên, kết quả là tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt 0,1%.
Sáp nhập các ngân hàng được coi là một cầu nối vượt qua khó khăn, đẩy mạnh công cuộc cải cách |
Một nhân viên ngân hàng cao cấp tại Ý cho biết, nếu việc sáp nhập nêu trên bị sụp đổ thì có thể sẽ để lại hậu quả bấp bênh cho một số ngân hàng, trong bối cảnh mà mối lo lắng của các nhà đầu tư về tác động của tình trạng nợ xấu lớn và mức lãi suất âm đang ngày càng tăng. Hiện nay, những nhà cho vay tại Ý đang chịu thiệt hại nặng nề từ mức lợi nhuận thấp và sự quản lý yếu kém, cộng thêm tổng giá trị nợ xấu lên đến 360 tỷ euro, tương đương với khoảng 1/5 GDP của Ý.
Về phía ECB, các nhà quản lý điều tiết của ngân hàng Trung ương cũng đã yêu cầu Banca Popolare di Milano và Banco Popolare phải có hành động nhanh hơn đối với các khoản nợ xấu, cũng như có phương án thích đáng đối với việc huy động để tăng vốn chủ sở hữu và hợp lý hóa mô hình, cách thức quản trị của họ. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của các ngân hàng nói trên đã phản đối yêu cầu về việc tăng vốn, do lo sợ sẽ làm pha loãng cổ phiếu.
“Tôi không hiểu những gì đang được tiến hành tại ECB. Nếu việc sáp nhập này không xảy ra thì các ngân hàng sẽ gặp phải một số vấn đề”, một nhân viên ngân hàng cao cấp tại Ý nhận định. Các ngân hàng ở Milan (Ý) cũng đang băn khoăn về việc tăng vốn, dự kiến thực hiện vào tháng tới theo yêu cầu của ECB đối với các ngân hàng khu vực Popolare Vicenza và Veneto Banca, với tổng trị giá tương ứng là 1,8 tỷ euro và 1 tỷ euro.
Thất bại trong việc thực hiện tăng vốn có thể khiến các ngân hàng phải đi đến “xóa sổ” cổ đông, cùng những khoản lỗ tồn đọng. Chính vì vậy, Rome đang yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) bác bỏ phán quyết ở Brussels về việc ngừng cứu trợ những nhà cho vay nhỏ lẻ tại Ý. Theo một quan chức cấp cao tại châu Âu, quyết định kháng cáo lên ECJ về việc giải cứu Banca Tercas năm 2014 được mô tả như là một “tuyên bố chính trị”.
Giải cứu Tercas là thỏa thuận đối lập với những gì đưa ra tại Brussels vào tháng 11/2015. Kết quả được dự báo là sẽ khiến các ngân hàng của Ý thúc đẩy bán tháo cổ phiếu tại thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu đang yếu kém, các nhân viên ngân hàng Monte dei Paschi di Siena và Banca Carige nhận định.
Để đối phó, Ngân hàng Carige cũng đã xây dựng một bản kế hoạch chiến lược mới, trong khi Banca Monte dei Paschi di Siena - ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ ba của Ý - cho biết cũng đang tìm người mua. Antonio Patuelli, người quản lý việc đàm phán của ngân hàng tại Ý, cho biết ông “rất hài lòng” về quyết định kháng cáo lên tòa án tại Luxembourg của Ý. Ủy ban châu Âu từ lâu đã thể hiện việc “không bao giờ ủng hộ Ý”, ông nhận xét.
Các nhà quản lý điều tiết cho rằng, Ý phải tuân theo những quy tắc giám sát đơn lẻ thông thường của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu. Alberto Gallo, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu tại quỹ đầu tư Algebris, cho biết ngành ngân hàng đang phải trả giá cho việc quản lý và điều tiết yếu kém trong nhiều thập kỷ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Ý đang thăm dò hành động của các nhà cầm quyền châu Âu đối với các ngân hàng quốc gia này, thì những người gửi tiền nhỏ lẻ đang chuyển vốn ra khỏi các ngân hàng yếu để tìm đến các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, bao gồm Intesa Sanpaolo, UniCredit, BPM và UBI Banca. ECB cũng đang giám sát mức độ thanh khoản của các ngân hàng này.
“Điều tôi lo lắng chính là phía châu Âu đang không hiểu rõ những gì họ làm có thể tạo ra nguy cơ đẩy Ý vào một tình huống rất khó có đủ sức để quay trở lại”, một giám đốc điều hành ngân hàng Ý khẳng định.