Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển
Hội thảo là một phần trong chuỗi hoạt động tham vấn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác có liên quan về những thách thức trong quản lý rác thải nhựa, cũng như các giải pháp tiềm năng nhằm giải quyết hiệu quả vấn nạn ô nhiễm nhựa.
Tại đây, các chuyên gia đến từ Canada, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương pháp tiếp cận như: loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và cơ chế tài chính bền vững để phát triển hệ thống xử lý rác thải tiên tiến; xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới.
“Ô nhiễm rác thải biển không những gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng”, ông nói.
Đồng quan điểm, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng: “Mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm chống ô nhiễm nhựa”. Và, Canada tự hào được hành động cùng Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Bởi, đại dương khỏe mạnh và có sức chống chịu cao sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho dân cư toàn cầu, và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Việt Nam coi công tác quản lý chất thải rắn là một vấn đề ưu tiên. Hệ thống thu gom chất thải nhựa và quản lý các bãi chôn lấp đã giúp giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực này thông qua hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường, các chính sách quản lý, các chiến dịch làm sạch bờ biển và các phong trào giáo dục, truyền thông cho người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Bo truong Tran Hong Ha phát biểu tại Hội thảo |
Trước đó, tại Kỳ họp lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường.
Tháng 5/2018, Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược điều chỉnh này đặt ra những mục tiêu cần đạt được đến năm 2025: thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo |
Việt Nam cũng ủng hộ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ kiến thức và thông tin về ô nhiễm nhựa xuyên biên giới; tăng cường năng lực quản lý và các khuôn khổ quốc tế hiện có, nhằm cải thiện các cơ chế hoạch định chính sách; nâng cao năng lực nghiên cứu về rác nhựa đại dương và vi nhựa; tăng cường nhận thức của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng về ô nhiễm nhựa; và thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực quản lý và khuôn khổ pháp lý về bảo vệ môi trường và quản lý rác thải.
Được biết, với cương vị Chủ tịch G7, Canada đã khởi xướng việc xây dựng Hiến chương về Nhựa đại dương, một cam kết mang tính toàn cầu nhằm hành động đối với tất cả các loại sản phẩm nhựa trong suốt vòng đời của chúng, với mục tiêu giảm chất thải nhựa và rác nhựa đại dương. Đến nay, 14 quốc gia, Liên minh châu Âu và 20 công ty đã phê chuẩn Hiến chương về Nhựa đại dương.
Hội thảo tham vấn này là sáng kiến chung giữa Canada và Việt Nam trong năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.