TP. Hồ Chí Minh: Tạo việc làm mới cho 141.000 lao động mỗi năm
Tổng cộng trong các năm từ 2021 - 2024, các thành phần kinh tế đã tạo việc làm mới cho 573.861 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm qua từng năm nếu như năm 2021 là 4,29%, đến năm 2024 giảm còn 3,81%. Dự ước đến năm 2025 đạt 100% chỉ tiêu chỗ việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp đô thị phấn đấu duy trì đến cuối năm 2025 kéo giảm dưới 4%.
Sàn giao dịch việc làm luôn được quan tâm để kết nối cũng như giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Bà Trần Thị Diệu Thuý cũng cho biết, lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận tăng qua từng năm. Theo đó, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề năm 2020 là 86,42%, đến cuối năm 2024 là 88,1%.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực lao động - việc làm được quan tâm, công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động được thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Qua đó, kịp thời cung cấp kết quả dự báo nhu cầu nhân lực đến các cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị căn cứ vào kết quả dự báo để đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, như chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế; công tác giới thiệu việc làm và chi trả bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, nhằm đảm bảo đời sống người dân, tổ chức 413 phiên sàn giao dịch việc làm kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho các đối tượng lao động.
Thành phố thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách lao động nữ cho người lao động, người sử dụng lao động thuộc các loại hình doanh nghiệp qua các hội nghị.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng kinh phí đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, vì hiện nay kinh phí đào tạo rất thấp (3 triệu đồng) chưa đáp ứng được chi phí đào tạo thực tế. Cùng với đó là cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi (thuế, vốn vay, lãi suất…) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác đào tạo, cũng như phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lao động theo hướng “đào tạo song hành”. Một trong những kiến nghị khác là phát triển hệ thống dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động cấp quốc gia và quốc tế để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.