Thức tỉnh trước giấc mộng giàu nhanh và dễ
Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo thẻ tín dụng “qua mặt” xác thực sinh trắc học Cảnh giác trước chiêu trò giả mạo nhân viên thuế để chiếm đoạt tài sản |
Trò lừa cũ nhưng vẫn dính bẫy
Những ngày qua, dư luận thêm phần “râm ran” trước thông tin Công an TP. Hà Nội cho biết vừa triệt phá thành công vụ án lừa đảo trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay với số tài sản, tang vật bị phong tỏa lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, đối tượng Phó Đức Nam, hay còn gọi là Mr. Pips, cùng đồng bọn đã thành lập hàng chục công ty để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 2.600 người dưới danh nghĩa đầu tư tài chính.
Theo điều tra ban đầu, các công ty này đã thuê rất nhiều người làm việc, với tên gọi mỹ miều là IB - Introducing Broker. Những đối tượng này lập ra các tài khoản giả mạo, tham gia các hội nhóm liên quan đến đầu tư chứng khoán, forex để tìm kiếm “con mồi”, hoặc trực tiếp telesale để giới thiệu sàn, mời vào nhóm Zalo, Telegram hướng dẫn giao dịch.
Đáng chú ý, các “mạng lưới” giống như của Mr. Pips hiện không phải ít. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có khoảng 300 sàn giao dịch forex và chứng khoán quốc tế hoạt động trái phép, thu hút nhiều người tham gia. Nhiều sàn giao dịch forex vẫn ngang nhiên giới thiệu công khai các hoạt động tại Việt Nam, triển khai những hội thảo quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành.
Thông qua các nền tảng mạng xã hội, họ đăng những lời quảng cáo, mời gọi đầu tư với lời hứa làm giàu nhanh chóng bằng cách chơi forex, chứng khoán, chứng chỉ quỹ quốc tế. Từ đó, những cái bẫy tinh vi để lừa đảo liên tục được giăng ra, khiến nhiều người bị lừa hàng tỷ đồng. Họ đổ xô đầu tư để kiếm lời nhưng cuối cùng phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Với những lời mời gọi lợi nhuận quá lớn, những lời hứa làm giàu chỉ trong một đêm, tạo thu nhập thụ động... nhiều nạn nhân liên tiếp dính bẫy.
Kể lại câu chuyện “đầu tư tài chính” của mình, anh Nguyễn Trí Thuận (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, sự việc bắt đầu khi nghe một nhóm bạn ngồi bàn bên cạnh bàn tán về tiền số Crypto và forex. Tò mò, anh lên mạng xã hội tìm hiểu và tham gia một nhóm có hơn 1.000 thành viên.
Thông qua một “trader” tên Duy, với lời hứa có thể đạt lợi nhuận 100 - 200 USD/ngày chỉ với 1.000 USD tiền vốn, anh Thuận mở tài khoản theo đường dẫn được gửi và bắt đầu hành trình “đầu tư” vào forex. Từ khi tham gia, anh làm kiểu gì cũng lỗ hơn 100 triệu đồng.
Muốn gỡ gạc lại và thấy nhóm trên Telegram có nhiều thành viên hoạt động sôi nổi, liên tục chia sẻ lợi nhuận “khủng”, anh Thuận nhắm mắt nạp tiếp 500 triệu đồng với hy vọng gỡ lại vốn.
“Ban đầu, tôi thấy tài khoản có lời thật, với lợi nhuận khủng khiếp tới 20%/ngày. Tuy nhiên, khi tôi muốn rút tiền thì mới tá hỏa bởi họ dùng nhiều cách để trì hoãn với lý do kỹ thuật, bắt nạp thêm tiền, đóng thuế... Đỉnh điểm, khi tôi dọa chụp màn hình và tố cáo thì toàn bộ tài khoản bị chặn, hoặc tôi bị đá ra khỏi nhóm. Đến lúc này, tôi mới biết mình đã bị lừa”, anh Thuận nói.
Đối tượng Phó Đức Nam bị bắt và số tiền, vàng của đối tượng bị cơ quan công an thu giữ |
Nâng cao cảnh giác và tăng cường kiến thức tài chính
Theo các chuyên gia, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người vẫn ôm giấc mộng giàu nhanh và dễ dàng. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam hiện có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào.
Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Cá biệt, có nạn nhân bị lừa tới 57 tỷ đồng.
Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ sàn giao dịch forex nào. Người dân giao dịch tại các sàn này sẽ đối mặt với nguy cơ lừa đảo.
Theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay, chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối, đặc biệt là kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế. Các tổ chức và cá nhân khác không được kinh doanh ngoại hối.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, để phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Đặc biệt, cần khuyến cáo người dân luôn nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng. Người dân cần cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường hoặc các khoản phí không rõ ràng.
Đồng thời, cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đưa ra quyết định an toàn. Trong trường hợp nghi ngờ lừa đảo, cần liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.