Ngân sách Nhà nước: Thu lỏng lẻo, quyết toán chi… dễ dãi
Năm 2016: Cho phép bội chi ngân sách Nhà nước 4,95% GDP | |
Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015 | |
Quyết toán ngân sách Nhà nước: Vẫn còn nhiều bất cập |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, quản lý thuế sơ hở, việc xử lý các vi phạm khiêm tốn, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách nhiều. Tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán; tình trạng chuyển giá trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ở khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp khó kiểm soát; tình trạng tiếp tay cho các vi phạm về thuế vẫn tồn tại và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Nhiều vụ việc trốn thuế, vi phạm trong xử lý hoàn thuế phải chuyển cơ quan Công an điều tra theo quy định của pháp luật. Theo đó, đã chuyển 1.826 hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.
Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương rất lớn làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước |
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cơ quan Thuế, Hải quan đã phối hợp tốt với các ngành chức năng triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước. Nhưng, do một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý nợ đọng thuế chưa thực sự kiên quyết, cùng với bất cập, hạn chế trong các văn bản về chính sách thuế, nên tình trạng nợ đọng thuế đến 31/12/2014 do ngành thuế quản lý tiếp tục tăng cao và khó giảm trong thời gian tới. Tính đến 31/12/2014, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý là 76.073 tỷ đồng, tăng 9,7% (6.731 tỷ đồng) so với năm 2013”, ông Hải cho biết..
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng, tình trạng nợ thuế như năm 2014, 2015 đúng là quá lớn. Công tác thuế thời gian qua quản lý rất quyết liệt, tại các địa phương đã thu nợ đọng thuế khá tốt. Việc thanh tra, kiểm tra, cũng đã có chuyển động tích cực.
Điểm sáng trong ngân sách nhà nước năm 2014 được Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra là quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán, mặc dù vẫn duy trì một số ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%; nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng...
Dù vậy, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương rất lớn làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, chi chuyển nguồn năm 2014 sang năm 2015 là 235.506 tỷ đồng tăng so với năm trước 45.949 tỷ đồng.
Liên quan đến ODA, có ý kiến cho rằng, trong số giải ngân vốn ODA vượt dự toán có 10.782,7 tỷ đồng do Chính phủ chuyển đổi vốn ODA tại một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp nhưng chưa báo cáo Quốc hội, UBTVQH, chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 5 Luật NSNN hiện hành. Do đó, đề nghị loại khỏi quyết toán chi NSNN năm 2014 số tiền 10.782,7 tỷ đồng.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem lại các con số trong báo cáo của Bộ Tài chính vì thực tế, 3 năm gần đây lặp đi lặp lại tình trạng trong các tháng 4, tháng 5, tháng 6 đều nhận định là khả năng không thu đủ ngân sách theo dự toán. Nhưng đến tháng 9 khi Quốc hội sắp họp lại nhận định là có thể thu đủ và vượt; sang tháng 10, tháng 11 khi Quốc hội họp thì báo cáo vượt thu rất nhiều.
Trong khi đó, gần 50% nguồn thu ngân sách nhà nước chủ yếu từ dầu thô, mà giá dầu thô giảm mạnh chỉ còn khoảng 30 USD/thùng nhưng thu ngân sách vẫn vượt và vượt rất nhiều là vấn đề cần xem xét lại. Theo ông Phan Trung Lý, một thực tế đáng buồn nữa là quyết toán ngân sách hàng năm, chi luôn vượt dự toán, có hiện tượng doanh nghiệp thì chuyển giá, còn cơ quan tài chính thì chuyển nguồn, chuyển hạch toán.
“Theo tôi không minh bạch, luật đã quy định biên độ của năm tài chính thế nào thì phải thanh, quyết toán như vậy. Bây giờ ta cứ cho chuyển nguồn mà chuyển hàng nghìn tỷ đồng không rõ ràng nên không thể đánh giá năm nào quyết toán đúng, năm nào quyết toán không đúng cả. Nợ đọng nhiều mà không quyết toán được, do đó tài chính của chúng ta không minh bạch. Tôi đề nghị cần phải nghiêm túc, tha thiết yêu cầu quyết toán NSNN phải tuân thủ đúng hiến pháp, đúng luật”, ông Phan Trung Lý chốt lại phần phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năm nào cũng cố gắng khắc phục những hạn chế nhưng những tồn tại, hạn chế khi quyết toán NSNN hầu như năm nào cũng vẫn xoay quanh chuyển nguồn, chuyển giá, chi vượt dự toán, nợ đọng thuế, hoàn thuế không đủ... Dù vậy nhưng Quốc hội vẫn thông qua báo cáo quyết toán.