Ngành dệt may: Thúc đẩy các FTA để phát huy lợi thế
Trên 6.000 DN, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2017 với trên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. “Với mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số, đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các DN dệt may Việt Nam trong bối cảnh thị trường chung chưa thực sự sáng sủa”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại từ đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế thế giới năm 2017 diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn với sự tăng trưởng kinh tế Mỹ ước đạt hơn 3%, tăng trưởng kinh tế EU ước đạt 2,2%, cao hơn so với dự báo, nhưng tình hình chính trị thế giới lại bất ổn như căng thẳng giữa Mỹ - Bắc Triều Tiên, đàm phán Brexit giữa Anh và EU vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng phần nào tới tổng cầu dệt may thế giới. Cụ thể, tổng cầu dệt may thế giới năm 2017 ước đạt 674,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,85% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2016, thị phần tăng từ 10% lên 11%; sang EU ước đạt 4 tỷ USD, tăng 9,23% so với năm 2016, thị phần tăng từ 1,4% lên 1,6%; sang Nhật Bản ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2016, thị phần tăng từ 8,7% lên 9,5%; sang Hàn Quốc ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2016, thị phần tăng từ 19% lên 20,6%, sang Nga ước đạt 172 triệu USD, tăng 56% so với năm 2016, thị phần tăng từ 1,3% lên 1,8%.
Đồng thời, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính về xuất khẩu dệt may như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là cao nhất trong nhóm. Năm 2017, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 1,2% đạt 250,2 tỷ USD; của Ấn Độ tăng 3% đạt 36,5 tỷ USD với tăng trưởng tốt trong mảng xuất khẩu vải; của Bangladesh giảm 1,3% đạt 33,9 tỷ USD; của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4% đạt 25,1 tỷ USD; của Pakistan tăng 4% đạt 12,9 tỷ USD; của Indonesia giảm 4,1% đạt 11,3 tỷ USD; của Campuchia tăng 3,1% đạt 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, để ngành dệt may Việt Nam có thể đạt được kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như trên, ngoài việc luôn nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, quản trị DN để tăng hiệu quả kinh doanh, các yếu tố ngoại lực khác cũng có ảnh hưởng lớn. Đó là việc trong những năm vừa qua, các hiệp định FTA giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được ký kết và có hiệu lực đã tạo điều kiện và cơ hội cho dệt may Việt Nam mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới.
Cụ thể, Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đóng vai trò không nhỏ trong tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong những năm gần đây. Với việc hiệp định được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực ngày 20/12/2015, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD tăng 9,5%, năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD tăng 11,8%.
Ngoài ra, hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN - EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực ngày 5/10/2016 đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga tăng trưởng mạnh, từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên 110 triệu USD năm 2016 (tăng 30%) và đạt khoảng 172 triệu USD năm 2017 (tăng 56%).
Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga còn khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh ngay khi hiệp định có hiệu lực đã cho thấy tiềm năng lớn để tập trung khai thác, mở rộng thị phần tại Nga (thị phần hiện tại của dệt may Việt Nam là 1,8%).
Với việc lãnh đạo các nước ASEAN ký kết thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ngày 22/11/2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN cũng đã vượt mức 1 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2016 đạt 1,23 tỷ USD tăng hơn 9% và năm 2017 đạt khoảng 1,35 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%.
Về quan hệ với Trung Quốc, việc thực thi Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc tháng 11/2004 và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Trung Quốc tháng 7/2005. Trên cơ sở đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đã có bước cải thiện rõ rệt đặc biệt trong các năm gần đây, cụ thể năm 2015 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD tăng 22%, năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD tăng 20%, năm 2017 ước đạt 3,2 tỷ USD tăng 21%...
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế, ngành dệt may Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Để có thể nâng cao năng lực toàn ngành, đáp ứng các yêu cầu mới của hội nhập, tận dụng mọi lợi thế trong các hiệp định, Tập đoàn Dệt may nói riêng và ngành dệt may Việt Nam mong muốn Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các FTAs, mới đây nhất là Hiệp định CPTPP, cũng như sớm đưa hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong các cuộc đàm phán. Phía NHNN cũng cần có thỏa thuận về hỗ trợ việc thanh toán của các DN trong liên minh kinh tế Á - Âu chính thức qua hệ thống ngân hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro và tạo cơ hội phát triển nhanh hơn đối với thị trường tiềm năng này.