Nghị định chống chuyển giá và bài học đắt giá
Doanh nghiệp bất động sản gặp khó với nghị định chống chuyển giá | |
Nhìn nhận công bằng hơn về chuyển giá |
Bất hợp lý, thiếu cơ sở
Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết được không ít người xem là “vòng kim cô” chống chuyển giá, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thế nhưng vừa đi vào cuộc sống chưa được bao lâu, Nghị định này đã vấp phải không ít phản ứng từ phía các DN, có thể khiến DN mất cân đối vốn, đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ và lỗ chồng lỗ.
Các DN FDI thường chuyển giá ngay từ khi ký hợp đồng liên kết |
Đơn cử như Khoản 3, Điều 8 của Nghị định quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của DN”. Quy định này nhằm 3 mục đích: Một là chống chuyển giá; hai là giảm rủi ro cho ngân hàng; ba là để thị trường minh bạch hơn. “Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được, nhưng đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của DN, đặc biệt DN nhỏ khó lớn lên”, TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết.
Trong khi đó, LS. Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, quy định này vừa trái luật lại không đủ cơ sở pháp lý. Sở dĩ như vậy là bởi trường hợp DN nội địa thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định trên vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Được biết, quy định tỷ lệ 20% nhằm mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế. Trong khi đó DN FDI chuyển giá rất nhiều, song chủ yếu chuyển giá bằng giá đầu vào và giá đầu ra ngay từ khi ký hợp đồng liên doanh. Theo đó họ đã kê vống tiền thuê-mua thiết bị, tiền khấu hao, tiền chuyên gia, tiền thương hiệu…; rồi họ “ăn” vào giá sản phẩm theo cách bán quá rẻ sản phẩm cho công ty mẹ và hệ thống phân phối… Còn rất nhiều cách khác, nhưng DN FDI không chuyển giá bằng lãi vay. Vì thế quy định trên không có mấy tác động đến các DN FDI mà chủ yếu “đánh” vào DN nội.
Cũng cho rằng đây là một quy định bất hợp lý, ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản lý giải, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN. DN có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Quy định này không hợp lý vì chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.
Dừng nghị định để chờ luật
Một thành viên khác của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, quy định tỷ lệ 20% còn chưa hợp lý ở chỗ chưa tính đến yếu tố ngành đặc thù, đối tượng đặc thù, chưa tính đến các ngành có đặc thù là đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên DN phải vay nhiều như đầu tư cho điện, hạ tầng giao thông, bất động sản… Quy định cũng chưa phân biệt đối tượng ở đây là công ty mẹ/tập đoàn hay công ty con, riêng lẻ; cũng không nói rõ chi phí lãi vay ở đây là chỉ áp dụng trong giao dịch vay liên kết hay áp dụng đối với tất cả các khoản vay nên đang được hiểu là “tất cả”.
Một thành viên nữa của Hội đồng - TS. Lê Xuân Nghĩa cũng có những phân tích sâu và kỹ về Nghị định này và chỉ ra những điểm chưa thỏa đáng. Đơn cử như công thức tính toán cho tỷ lệ 20% về logic học là chưa ổn. Việc áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau cho cả DN FDI và DN Việt Nam, với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN của Việt Nam.
Mặc dù Tổng cục Thuế đã giải thích, tỷ lệ 20% được quy định nhằm lành mạnh hoá tài chính DN, để các DN không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có và quy định này là hoàn toàn có cơ sở, theo thông lệ quốc tế. Thế nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đã quá hăng hái. Có chung quan điểm như vậy, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế, nhưng khuyến khích thực hiện chứ không bắt buộc phải thực hiện và cũng tùy mức độ của mỗi nước. “Đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan của Chính phủ”, ông nói.
Với hoàn cảnh DN Việt Nam luôn thiếu vốn và trong điều kiện lãi suất ở Việt Nam cao thì không nên khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 20%, thậm chí 50% miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng 20% là không có cơ sở thuyết phục và chưa tính đến đặc thù của Việt Nam, do DN Việt luôn phải vay nợ nhiều và thị trường trái phiếu thì chưa phát triển. Dẫn ra số liệu hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của DN Việt niêm yết trên sàn chứng khoán thời điểm cuối quý III/2018 là 1,42 lần so với mức 1,04 lần của DN sản xuất-kinh doanh thuộc khối OECD, có nghĩa là DN niêm yết của Việt Nam vay nợ gấp 1,4 lần DN khối OECD, ông Lực cho rằng, tỷ lệ lãi vay nên ở khoảng 28-30% theo khuyến nghị của OECD và hiện nhiều nước đang quy định ở mức 30%.
Nhìn chung các chuyên gia đều thống nhất cho rằng nên dừng áp dụng Nghị định 20 để chỉnh sửa. Hơn nữa, đây là vấn đề lớn và quan trọng cần được quy định trong luật và phải được Quốc hội thảo luận và thông qua chứ không phải quy định ở tầm Nghị định, và hướng là nên đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi.