Người trồng chè hoang mang
Theo đó, ngày 25/9/2015, gần trăm hộ dân liên kết trồng chè với Công ty TNHH Fusheng (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) “chết đứng” khi nhận được thông báo ngừng thu mua chè từ phía DN này.
Hàng trăm hộ dân trồng chè liên kết với Công ty Fusheng đang lao đao vì công ty ngừng thu mua |
Theo thông báo từ DN trên: “Hiện công ty đang “lực bất tòng tâm” trước những khó khăn mà ngành trà đang gặp phải. Với thị trường hiện tại, công ty không còn khả năng chi trả thu mua trà tươi cho nông dân do lượng trà khô sản xuất vẫn còn tồn kho đến 60 tấn. Vì thế, từ tháng 1/2016 công ty sẽ ngưng thu mua trà tươi từ các hộ nông dân. Thời gian tới, công ty sẽ phát triển sang lĩnh vực trồng, chăm sóc lan vũ nữ”.
Chỉ với thông báo ngắn gọn trên của DN liên kết đã đẩy hàng trăm hộ nông dân vào bế tắc. Ông Vũ Mai Sáng, TP. Đà Lạt cho biết, với 4ha chè, từ năm 2006 gia đình đã ký hợp đồng bán chè cho Công ty Fusheng trong thời hạn 20 năm nhưng đến nay, DN đã ngừng thu mua khiến ông trở tay không kịp. Mấy ngày vừa qua, gia đình ông phải đi khắp nơi để liên hệ với các công ty chè khác nhờ thu mua nhưng đều bị từ chối.
Theo ông Sáng, thông thường, cứ 2 tháng sẽ thu hoạch 12 – 13 tấn chè bán cho DN. Chi phí trung bình cho một lứa chè, người dân phải chi khoảng 50 triệu đồng để chăm sóc 1ha. Số vốn bỏ ra vô cùng lớn. Đặc biệt, chè phải thu hoạch đúng ngày, nếu thu hoạch chậm sau 5 ngày thì sẽ không dùng được nữa.
“Cả gia đình chỉ sống nhờ vào vườn chè, giờ DN ngừng thu mua, không biết làm thế nào để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Chưa nói đến về lâu dài lấy đâu ra tiền để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trước đây, tin tưởng Công ty Fusheng, gia đình chúng tôi còn cho DN nợ hơn 400 triệu đồng, số tiền này chưa biết khi nào mới lấy lại được”, ông Sáng cho biết thêm.
Tương tự là trường hợp bà Nguyễn Thị Mười, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt cũng lao đao không kém. Năm 2013, bà Mười mạnh dạn bỏ hết 2ha cà phê đã đầu tư cả trăm triệu đồng để trồng chè. Giờ chè tới tuổi thu hoạch nhưng DN ngừng thu mua khiến gia đình bà Mười rơi vào đường cùng. Trong khi, Công ty Fusheng còn nợ của gia đình bà Mười khoảng 50 triệu đồng.
Trong gần trăm hộ trồng chè bị Công ty Fusheng ngừng thu mua chè, chỉ có vài hộ dân may mắn tìm được DN khác thu mua. Ông Nguyễn Minh Hải, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt chia sẻ, vì quen biết với Công ty trà Ha Di nên 1,5ha chè của gia đình ông mới được thu mua, nếu không thì không biết phải xoay xở thế nào.
Không chỉ riêng hàng trăm nông dân liên kết với Công ty Fusheng trồng chè bị lao đao mà những ngày qua, các hộ liên kết trồng chè với Công ty TNHH Hà Linh cũng đứng ngồi không yên. Bởi sau thông tin Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh tử vong tại Trung Quốc, DN ngừng thu mua chè của người dân; việc này đã khiến hàng loạt nông hộ liên kết với DN lâm vào cảnh khốn đốn, chưa biết tìm đầu ra cho sản phẩm của mình trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt cho biết, ông có trên 3ha chè liên kết với Công ty Hà Linh đang trong giai đoạn thu hoạch… thế nhưng hiện DN này đang ngừng hoạt động, không biết đến khi nào thu mua trở lại. Ông Bình cho biết thêm, hiện DN còn nợ 300 triệu đồng, nhưng điều lo lắng nhất là làm sao để tìm được nơi tiêu thụ chè.
Nếu không thiệt hại sẽ rất lớn. Cách đây vài ngày, để tránh thiệt hại khi chè đến kỳ thu hoạch, ông Bình phải gửi hơn 50 tấn chè tươi đến một DN khác nhờ sơ chế, bảo quản với chi phí phát sinh lên đến hàng chục triệu đồng.
Về phía chính quyền địa phương, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi bà Hà Linh mất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Hội DN trẻ và UBND TP. Đà Lạt đề nghị làm việc với Công ty TNHH Hà Linh để duy trì hoạt động sản xuất của DN một cách bình thường.
Ngày 28/9/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND TP. Đà Lạt làm việc với DN và các hộ dân để khi chè đến kỳ thu hoạch thì phải có người của công ty hoặc DN thu mua chè cho người dân.
Đại diện DN Hà Linh, ông Lâm Quang Khôi, Quản lý xưởng sản xuất Công ty TNHH Hà Linh cho hay, số tiền DN nợ các hộ dân sẽ được trả đầy đủ trong thời gian tới. Hiện DN vẫn còn các đơn đặt hàng nên DN sẽ hoạt động trở lại bình thường, chè sẽ được thu mua để tránh thiệt hại cho người nông dân.