Nguy cơ “đảo chiều rút vốn” và cảnh báo xa
AEC – Những câu hỏi nóng cho 2016 | |
Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức với thị trường tài chính | |
AEC mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư |
Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC hình thành, ASEAN là một thị trường chung, là cơ sở sản xuất đơn nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao và phát triển kinh tế đồng đều. ASEAN là khu vực tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển lao động kỹ năng và tự do lưu chuyển hơn luồng vốn.
AEC hình thành sẽ thúc đẩy phát triển và hội nhập thị trường tài chính. Nhưng cũng tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tài chính – ngân hàng. Thực tế đang đòi hỏi phải nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính để kịp đối phó với những biến động của dòng vốn.
Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tài chính trong AEC
Các hạn chế được dỡ bỏ đáng kể, các nhà cung cấp dịch vụ trong ASEAN được cung cấp dịch vụ trong khối, được mở công ty vượt khỏi biên giới quốc gia. Như vậy, các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao hơn trong khối (các quốc gia thuộc ASEAN 6) sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ dịch vụ tài chính - ngân hàng. Nhưng các định chế trung gian tài chính Việt Nam sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Trong khi đó, thị trường tài chính Việt Nam phát triển chưa vững chắc và nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực.
Ảnh minh họa |
AEC hình thành, các rào cản pháp lý về ngăn cản ngân hàng của một nước thành viên ASEAN hoạt động trên lãnh thổ của nước thành viên ASEAN khác sẽ được dỡ bỏ. Nhiều nước rất lo ngại sự “thống trị” của các ngân hàng nước ngoài trong thị trường tài chính của nước mình. Trong khi đó, mức độ thâm nhập thị trường ngân hàng nội bởi ngân hàng của các nước ASEAN khác có thể nói là không đáng kể.
“Sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn vào thị trường sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh thị trường tài chính trong nước, các định chế trung gian tài chính Việt Nam sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều”, theo TS.Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính).
“Nếu AEC hoàn thành mục tiêu tự do luân chuyển về vốn, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn chạy vào, chạy ra”, cũng theo TS.Lợi.
Tăng mối lo về bong bóng giá tài sản
Sự gia tăng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam không chỉ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột với quy mô lớn mà còn làm tăng mối lo về bong bóng giá tài sản, đặc biệt sẽ là nguyên nhân gây mất ổn định đối với thị trường tài chính Việt Nam. “Nguy cơ này đang đặt ra những thách thức đối với năng lực của hệ thống giám sát rủi ro hệ thống tài chính”, ông Lợi lưu ý.
Ông Hoàng Phú Thọ - Trường Đại học kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng có phát biểu cảnh báo sự gia tăng dòng vốn nước ngoài có thể làm tăng mối lo về bong bóng giá tài sản. “Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập”, ông lưu ý.
Việc tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu. Nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số nước trong khu vực ASEAN.
“Đó cũng là một trong những cản trở đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh”, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).
Nói về nỗi lo cho sự bất ổn và trình độ phát triển thấp của thị trường tài chính, ông Tuấn Anh dẫn chứng, quy mô thị trường cổ phiếu còn nhỏ bé. Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết năm 2014 là 53 tỷ USD (tương đương 31% GDP) trong khi số này ở năm 2012 của Malaysia là 476 tỷ USD, Thái Lan là 383 tỷ USD. Loại hình trái phiếu thì hạn chế. Quy mô thị trường chứng khoán cũng nhỏ bé chưa trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Trong lĩnh vực chứng khoán, các quy định về chào bán, phát hành, phân phối chứng khoán, công bố thông tin, các chuẩn mực kế toán, kiểm toán… còn nhiều hạn chế do vướng các luật pháp về kinh tế, pháp luật về dân sự, chưa đáp ứng các chuẩn mực chung của khu vực.
Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đã được ký kết nhưng vẫn đặt ra những thách thức nhất định để kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thực sự được tự do hành nghề tại các nước ASEAN… ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Tự do hóa thị trường tài chính sẽ có hiệu ứng mạnh nếu được gắn kết hợp lý với cải cách thể chế nội địa, tăng cường thu hút các nhà đầu tư mới để nâng cao tính hiệu quả của thị trường. Nhưng để giảm thiểu rủi ro hội nhập, cùng với quá trình tự do hóa dòng vốn và tự do hóa thị trường tài chính, cần củng cố các quy định về an toàn tài chính, nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính để kịp đối phó với những biến động của dòng vốn.
Các chuyên gia tài chính lưu ý, cần có các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính khi dòng vốn đảo chiều đột ngột.
Bên cạnh đó, với một thị trường chung cho toàn khu vực ASEAN, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính là yêu cầu thiết yếu đối với mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển thể chế tài chính thị trường. Theo đó, cần ứng dụng sớm các hệ thống cảnh báo sớm, kiểm định rủi ro đối với từng định chế tài chính cũng như toàn hệ thống tài chính.
“Giám sát thị trường tài chính và hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập sẽ là thách thức không nhỏ đối với hệ thống giám sát của Việt Nam”, ông Lợi nói.