Nguy cơ mới gia tăng xung đột Mỹ-Trung về công nghệ
Bắc Kinh và Washington đang đi đến những bước đàm phán cuối cùng cho việc ký kết một thỏa thuận cắt giảm thuế quan hạn chế. Điều này dù chưa thể trở thành một giải pháp tổng thể cho các vấn đề thương mại, nhưng thị trường tài chính Mỹ coi đây là một tín hiệu tốt lành.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hiện giờ lại đang phát sinh các nguy cơ lớn hơn về chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung. Nhiều nhà phân tích an ninh quốc gia Mỹ đang rất quan tâm đến việc công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trung Quốc hiện được coi là nền kinh tế trí tuệ nhân tạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, về số lượng các công ty AI và nhóm nhân tài.
Năm 2016, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển các ngành công nghiệp chiến lược quốc gia với công nghiệp mới nổi”, trong đó xác định phát triển AI là một trong 69 nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một Kế hoạch 3 năm (2016-2018) về trí tuệ nhân tạo (Internet Plus) với mục đích tập trung vào tài trợ và phát triển AI để cải thiện nền kinh tế.
Tháng 7/2017, Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố đã chi tiết hóa chiến lược xây dựng ngành công nghiệp AI quốc gia trị giá 150 tỷ USD trong tương lai gần, hướng tới trở thành siêu cường AI hàng đầu vào năm 2030. Kế hoạch này tập trung vào AI như là mục tiêu quốc gia. Đây dường như là sự tiếp nối của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và kế hoạch ngành công nghiệp “Made in China 2025”. Mục tiêu kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn.
Kế hoạch thống trị AI và các công nghệ quan trọng khác của Trung Quốc đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới hoạch định chính sách và giới lãnh đạo công nghiệp ở Mỹ. Một số quan chức Mỹ cho rằng nên xem xét lại những giới hạn về thông tin mà các công ty Mỹ có thể chia sẻ với Trung Quốc, như thiết lập “danh sách các công ty” cấm bán thiết bị cho Huawei.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang khuyến khích các đồng minh trong số các nền dân chủ phương Tây như Canada, Australia, Anh và các quốc gia châu Âu khác xây dựng một mạng lưới tổng hợp dữ liệu AI chung. Đây là một “mạng lưới đối tác” chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu và nhân tài nhằm hạn chế các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thông qua công nghệ AI để thâm nhập vào thị trường các nền kinh tế phát triển.
Đề xuất về một liên minh AI của thế giới tự do được Tổng thư ký NATO Anders Fogh ủng hộ trong một hội nghị tổ chức hôm 5/11. Ông lập luận rằng, NATO nên tạo ra một ủy ban AI của riêng mình “như một diễn đàn trao đổi dữ liệu” và “để chống lại các chế độ chuyên quyền”.