Nhật Bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 14/12/2017, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua mức thuế ưu đãi cho các DN có tốc độ tăng trưởng tốt trong đầu tư, năng suất và tiền lương. Các DN quyết định không tăng lương hoặc tăng chi tiêu vốn sẽ không đủ điều kiện để khấu trừ thuế hiện tại.
Ảnh minh họa |
Động thái này của Thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế tiên tiến khác cũng thực hiện các kế hoạch cắt giảm thuế DN đặc biệt là Mỹ. Cụ thể, Mỹ đang định cắt giảm thuế thu nhập DN xuống 20% (từ 35%). Pháp lên kế hoạch hạ thuế suất xuống 25% vào năm 2022 (từ 33,33%).
Cải cách thuế sẽ cắt giảm thuế suất DN xuống khoảng 25% nếu các công ty tăng lương hơn 3% (1,5% đối với các DN vừa và nhỏ) và đẩy mạnh đầu tư vào tài sản cố định. Hơn nữa, thuế thu nhập DN sẽ giảm xuống còn 20% nếu các công ty đầu tư vào các công nghệ mới làm tăng năng suất. Các điều khoản thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tài chính 2018, bắt đầu từ tháng 4/2018 và kéo dài trong ba năm tài chính.
Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng động thái này có thể kích thích các DN tăng lương cho nhân viên và gia tăng các khoản đầu tư bởi vì các công ty Nhật Bản đang nắm giữ gần 2 nghìn tỷ USD tiền mặt và tiền gửi sau nhiều thập kỷ doanh thu khổng lồ.
Nhìn chung, kế hoạch này không nằm trong kế hoạch tổng thể của hệ thống thuế Nhật Bản và tác động của nó vẫn chưa rõ ràng. Về phía Chính phủ, Thủ tướng Shinzo Abe nhận định việc DN giữ quá nhiều tiền chính là gốc rễ của tình trạng bất ổn kinh tế và áp lực giảm phát của Nhật Bản. Tính đến cuối quý III, các công ty ở Nhật Bản đang có 199.500 tỷ yên (1,76 nghìn tỷ USD) tiền mặt và tiền gửi, bằng 40% GDP nước này và tăng hơn 1/3 so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, do hoài nghi về triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước do dân số đang già đi và thu hẹp lại, các công ty vẫn ngày càng chặt chẽ về đầu tư vốn. Ông Abe tin rằng số tiền này nên được dùng để tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư, qua đó nâng cao tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản đã tỏ ra hoài nghi về sự thành công của những cải cách này trong việc kích thích tăng lương nhằm thúc đẩy tiêu dùng và khôi phục lạm phát. Mặc dù các biện pháp này có thể mang lại cho các DN mức thuế thấp tới 20%, thấp hơn mức trung bình của OECD khoảng 25%, nhưng chúng chỉ kéo dài trong ba năm. Các công ty cho rằng tăng lương cho nhân viên sẽ gây khó khăn cho tình hình tài chính của công ty họ, trong khi chính sách giảm thuế DN chỉ là tạm thời.
Theo ông Koya Miyamae, nhà phân tích tài chính cao cấp tại công ty chứng khoán Nikko, việc cắt giảm thuế sẽ không giúp Thủ tướng Abe đạt được mục đích. Tăng lương là một sự gia tăng chi phí vĩnh viễn cho các công ty và khung ưu đãi thuế tạm thời này không đủ để thúc đẩy điều đó. Quy định về đầu tư vốn cũng bất hợp lý trong trường hợp các công ty đã lập kế hoạch chi tiêu vốn trước khi luật thuế mới được thông qua.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi như vậy nhưng cải cách thuế này dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 1/2018.