NHCSXH Quảng Bình: Gian nan cuộc chiến chống đói nghèo
NHCSXH tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng | |
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách |
Cũng như hành trình triển khai tín dụng chính sách tại địa phương này 15 năm qua, những cán bộ NHCSXH đã và đang cùng người dân bền bỉ chiến đấu với cái nghèo. Thoát nghèo bền vững lại càng là vấn đề trăn trở khi những thiên tai ở các miền quê có thể bỗng chốc xóa đi toàn bộ những thành quả của nhiều năm nỗ lực.
Với mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách |
Xã Minh Hóa, huyện Minh hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ cách trung tâm huyện 4 km nhưng lại có khoảng cách phát triển khá xa so với mức bình quân chung của tỉnh. Toàn xã hiện vẫn còn trên 40% hộ nghèo và dù đặt mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6-8%, song hơn 10 năm nay, số hộ nghèo của xã cũng chỉ giảm chưa đầy 20%. Lý do một phần vì chuẩn nghèo thay đổi, song nguyên nhân sâu xa hơn cả lại bắt nguồn từ tình hình khí hậu khốn khó nơi đây.
Chủ tịch xã Cao Đình An kể, cứ mỗi mùa mưa bão đến, 5 thôn trung tâm xã này lại đối mặt với nguy cơ bị chia cắt cô lập trong vùng lũ lụt. Năm nào lụt to, tài sản không kịp sơ tán, là năm đó, tỷ lệ hộ tái nghèo lại tăng vọt. Ví như năm 2015, sau đợt lũ lịch sử, hộ nghèo tăng vọt lên 61,14%. Vị trí rốn lũ này của Minh Hóa khiến cuộc sống mưu sinh của bà con khó tính đến các sinh kế dài hạn. Chăn nuôi, hay trồng trọt trong vùng trũng cũng phải tính ngày thu hái trước mùa lũ về.
Chính vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách ở đây chính là chiếc phao cứu sinh cho người dân neo đậu lại mảnh đất này những năm qua. 776 hộ dân đang là khách hàng của NHCSXH trên tổng số 927 hộ trong toàn xã. Tổng dư nợ cho vay 9 chương trình trên địa bàn xã đạt hơn 17 tỷ đồng...
Xuôi con đường từ huyện Minh Hóa xuống huyện Bố Trạch với những phong cảnh đẹp, động Tú Làn đã đi vào phim bom tấn “King Kong-đảo đầu lâu”. Song nó cũng phản ảnh sự khắc nghiệt của vùng đất này. Nhiều vùng đất trải bằng phẳng và rộng lớn, song thứ trụ lại duy nhất trên đó là cỏ.
Nhiều vùng, địa hình khó khăn cùng phong tục tập quán tự cung tự cấp cũng trở thành nút thắt đẩy tín dụng chính sách vào phát triển kinh tế. Ví như xã Tân Trạch và Thượng Trạch, trên đường 559 gần khu vực Hang Tám cô, huyện Bố Trạch. “Dù đường đi không xa, chỉ khoảng 40km từ trung tâm huyện nhưng những năm 2004-2005, mỗi lần vào xã, ngân hàng phải chi phí đến 12 triệu thuê một chiếc u-oát để vào xã khai mở tín dụng”, Phó giám đốc Chi nhánh Quảng Bình Nguyễn Văn Hải kể.
Vất vả chẳng quản ngại, tiền của cũng dốc vào, nhưng hiệu quả chẳng có vì đồng bào dân tộc Arem, Sách, Macoong, Khùa, Trì, Karai, Mường… dân vốn quen cuộc sống tự cung tự cấp, dựa vào thiên nhiên. Chính vì vậy, công cuộc mở rộng vốn tín dụng tại những địa bàn này không dễ dàng. Để giúp bà con đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền và các tổ hội tích cực vận động bà con nỗ lực phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỉ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Đi cùng với công tác tuyên truyền, vận động, ngân hàng còn phối hợp với chính quyền vận động một vài người dân trong xã vay thí điểm tăng gia sản xuất theo kiểu “bắt tay chỉ việc” nói cho dân hiểu và làm để dân làm theo. Từ đó người dân tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Và chỉ khi kinh tế các hộ dân này ấm dần lên nhờ đồng vốn ngân hàng cùng những con đường 20, còn gọi là đường "Quyết thắng" nối gần hơn 2 xã với trung tâm huyện, tỉnh, tín dụng mới có cơ hội nhân rộng ra trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở những xã này vẫn ở con số 80-90%. Bước chân của những cán bộ NHCSXH vì thế sẽ vẫn còn in dấu nơi đây còn lâu dài.
Càng trải qua những vất vả khó khăn ấy càng thấy, con số dư nợ đạt 2.662,7 tỷ đồng đến cuối tháng 5/2017 là cả một sự nỗ lực bền bỉ của các cán bộ nhân viên NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình cùng chính quyền địa phương, 4 tổ chức hội đoàn thể và 2.466 tổ TK&VV. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 341 tỷ đồng với trên 10,6 ngàn lượt khách hàng vay, bình quân cho vay 32,2 triệu đồng/khách hàng (2016 là 29,3 triệu đồng/khách hàng). Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,24% tổng dư nợ, giảm so với đầu năm 12,3%.
Và hơn cả những con số dư nợ, tăng trưởng tín dụng, cũng như số hộ vay, trên những vùng đất khó khăn của Quảng Bình ấy, người dân đang nỗ lực vươn lên học nhau phát triển kinh tế với sự trợ lực từ NHCSXH. Phó chủ tịch xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Hồ My cho biết xã mới chia tách từ năm 2013 từ xã Liên Hoà, nên bà con rất khó khăn với hơn 90% là đồng bào dân tộc Khùa, Chứt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn hơn 93%. Bản xa nhất cách trung tâm xã khoảng 40km. Nhưng ở nơi này không có một diện tích đất đai nào bị bỏ trống. Hơn 400 ha rừng nghèo kiệt giao cho dân trồng rừng giờ đã ngút một màu xanh của keo tràm.
Ngay cả nơi đất ở, ven đường người dân cũng tận dụng tối đa đất để canh tác, chăn nuôi. Và những mô hình như chị Hồ Thị Xanh đang trở thành hình mẫu để người dân học tập mô hình phát triển kinh tế. Khởi đầu với việc tiếp cận vốn NHCSXH vay 5 triệu đồng xoá nhà dột nát, chị Xanh đã mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng vốn hộ nghèo trồng rừng và chăn nuôi bò.
Thoát nghèo từ năm 2007, nay dù trong diện nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn mới, nhưng chị Xanh cũng gom cho mình một gia tài kha khá 10 con trâu, 5 ha rừng tràm và căn nhà vay tiền tu sửa chống dột nát năm xưa đã được thay bằng một căn nhà gỗ khang trang, rộng rãi.
Hay như với gia đình anh Cao Văn Hùng sinh năm 1986 thôn 5, Kim Bảng, xã Minh Hoá, sau bao năm bôn ba Sài Gòn, anh lấy vợ và trở lại mảnh đất quê cha đất tổ xã Minh Hoá. Vay vốn NHCSXH chăn nuôi bò và thoát nghèo năm 2015, anh vay tiếp vốn hộ cận nghèo phát triển đàn bò trên khu đất 6 xào được xã phân. Với quy mô trong chuồng lúc nào cũng có 20 con bò, cả giống và thịt, mỗi năm, trừ chi phí chăn nuôi và sinh hoạt cho 2 vợ chồng và 3 đứa con, anh để dành được từ 100-150 triệu đồng tái đầu tư mở rộng đàn. Sống trong cảnh một năm 3 tháng lũ, anh bảo lâu rồi cũng thành quen, và cũng vì cái điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ấy, nên gia đình anh tập trung chăn nuôi trong 9 tháng và bán đàn trước mùa lũ về. “Những lúc không bán kịp, gặp lũ đành chăn bò lên núi chờ nước rút”, anh kể.
Nhìn nhận về những thành quả đạt được trong công tác xoá đói giảm nghèo thời gian qua, Bí thư huyện Minh Hoá, Đoàn Ngọc Lâm cho biết: “Thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo ở địa bàn huyện cũng như một cuộc cách mạng. Phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, nhất là đồng bào vốn quen mưu sinh dựa vào tự nhiên sang sản xuất hàng hoá dựa vào kỹ thuật”.
Dù huyện đã có đề án quy hoạch phát triển cho từng vùng, nhưng với những địa bàn không có cơ hội phát triển dịch vụ du lịch, diện tích đất canh tác ít cũng đang khiến người dân khó mở rộng sản xuất. Mô hình kinh tế hỗn hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt đang được huyện khuyến khích nhân rộng cho bà con toàn huyện.
Song không vì thế mà cơ hội thoát nghèo của 39,4% hộ nghèo và gần 40% hộ cận nghèo trong huyện dễ dàng dù đã được vay vốn NHCSXH phát triển sản xuất. Bởi với quy mô sản xuất ngày một lớn, vượt qua nhu cầu tiêu thụ địa phương, đầu ra cho sản xuất vẫn là bài toán thách thức nếu thiếu các DN thu mua đầu mối.
Câu chuyện thoát nghèo phát triển bền vững vì thế không chỉ “còn phụ thuộc vào nguồn vốn chính sách nhiều” như Bí thư huyện Minh Hoá nhìn nhận, mà quan trọng vẫn là bài toán sinh kế bền vững. Đây cũng là trăn trở của Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài đối với các cấp các ngành chức năng của tỉnh để dòng vốn chính sách có thêm động lực góp phần vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương cũng như nối gần khoảng cách kinh tế giữa các huyện xã miền núi, vùng khó khăn với đồng bằng, góp phần phát triển kinh tế Quảng Bình bền vững từ những nhân tố kinh tế nhỏ.