NHNN không in tiền mệnh giá nhỏ chỉ để mừng tuổi và đi lễ
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng
Thưa Phó Thống đốc, cuối năm, nhu cầu tiền mặt thường tăng cao. Ngành Ngân hàng đang chuẩn bị đáp ứng như thế nào?
Phải khẳng định rằng, đây là vấn đề không mới và cứ “đến hẹn lại lên” vào dịp cuối năm. Đến nay, kế hoạch của ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu tăng tiền mặt dịp Tết Giáp Ngọ 2014, bao gồm cả in ấn, phát hành, cung ứng đã hoàn thành.
Thứ nhất, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ lượng cung ứng cho các địa phương để đảm bảo không thiếu tiền mặt phục vụ cho DN, mọi người dân có nhu cầu. NHNN cũng đã lưu ý các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chú trọng phục vụ nhu cầu rút tiền lương, thưởng của cán bộ nhân viên để mua sắm dịp Tết. Nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn có nhu cầu tiền mặt cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Thứ hai, NHNN đã chỉ đạo NHNN các tỉnh, thành phố tích cực chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu rút tiền ATM kể cả mệnh giá lớn và nhỏ, đảm bảo lượng tiền cho các NHTM có đủ tiền thực hiện tiếp quỹ cho ATM.
Hàng năm, dịp trước Tết NHNN thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ nhất định phục vụ nhu cầu của người dân. Còn Tết năm nay có gì mới, thưa Phó Thống đốc?
Năm nay, chủ trương của NHNN là không in tiền mặt loại mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống. Nhưng với mệnh giá 5.000 đồng trở lên vẫn cung ứng như mọi năm. Để đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ, trong những năm vừa qua, loại tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống vẫn được phát hành bình thường. Nếu chúng tôi có thu hồi về lượng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì cũng sẽ phát hành ra số lượng tương tự số lượng đã thu hồi. Tuy nhiên, dịp Tết, nhu cầu về loại tiền mệnh giá nhỏ tăng rất cao, chủ yếu là với mục đích sử dụng đi lễ hội, đền chùa, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.
Thực tế việc “rải” tiền nhiều ở các đền chùa, lễ hội đã làm giảm ý nghĩa giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh, nét đẹp của sinh hoạt cộng đồng. Còn về sử dụng tiền để mừng tuổi dịp Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống, nhưng NHNN cũng không thể in tiền với mục đích chỉ để đáp ứng nhu cầu này. Sau Tết phần lớn lượng tiền mệnh giá nhỏ lại trở về ngân hàng, dẫn tới quá tải về kho quỹ để bảo quản. Đây là sự lãng phí không đáng có bởi mục đích, chức năng của đồng tiền in ra là phải được lưu thông trong thanh toán dịch vụ, hàng hóa.
Nếu không in ấn, phát hành tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống thì chúng ta tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng chi phí in ấn. Chưa kể chúng ta còn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc trong việc đếm, bó, gói của các TCTD, thậm chí là cả các đền chùa. Rồi các NHTM tiết kiệm được chi phí bỏ ra để đưa tiền trở lại kho bảo quản.
Các NHTM đầu tư chỉnh trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng sức cạnh tranh
Nhưng, thưa Phó Thống đốc, thói quen dùng tiền mệnh giá nhỏ “rải” ở đền, chùa, lễ hội đã diễn ra nhiều năm nay, giờ sao có thể thay đổi ngay được?
Đúng vậy, để người dân dần bỏ thói quen này thì không chỉ mình ngành Ngân hàng làm được mà còn cần sự phối hợp, vào cuộc của các bộ ngành chức năng khác.
NHNN cũng gửi công văn tới các Bộ: Công an, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch để phối hợp thực hiện. Chúng tôi cũng có văn bản gửi Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam để đề nghị Hội giải thích, thuyết phục người dân hiểu đúng ý nghĩa nhân văn của việc đến đền chùa là tâm linh, lòng thành. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương sẽ phối hợp với công an xử phạt các điểm đổi tiền nhằm thu lợi ở các điểm tâm linh đã diễn ra lâu nay. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chỉ đạo, có chế tài xử lý với các ban tổ chức lễ hội nếu đặt quá nhiều hòm công đức, để đặt các bàn đổi tiền, ảnh hưởng tới nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
Một vấn đề khác cũng “đến hẹn lại lên” là tình trạng máy ATM quá tải. Năm nay ngành Ngân hàng có biện pháp gì khắc phục vấn đề này, thưa Phó Thống đốc?
Bình thường các máy ATM đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng và rất ít sự cố xảy ra. Nhưng vào các ngày lễ; Tết, do nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng đột biến chỉ trong khoảng thời gian ngắn nên thường xảy ra tình trạng ATM hết tiền hoặc bị tắc, nghẽn mạch. Do đó, trước những thời điểm như vậy, NHNN đã chỉ đạo các NHTM đặc biệt quan tâm tới bảo dưỡng máy ATM, kiểm tra đường truyền, điện, tiếp quỹ thường xuyên hơn.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến cáo các NHTM nên chủ động làm việc với các DN lớn trên từng địa bàn để dãn mật độ thời gian trả lương, thưởng Tết ra trong nhiều ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các NHTM có thêm phương án cho khách hàng rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch để giảm áp lực máy ATM.
Có thể khẳng định, các NHTM đã và đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng phuc vụ khách hàng. Nhưng đã là máy móc thì khó tránh khỏi sự hỏng hóc, nhất là khi các máy làm việc với cường độ rất lớn. Nhưng, với sự quan tâm thích đáng về nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống các NHTM để tăng khả năng cạnh tranh, sự cố đó không phải là hiện tượng phổ biến đối với hệ thống ATM. Ngoài ra, các NHTM cũng đang tiếp tục đầu tư kinh phí để mở rộng các điểm giao dịch ATM và các thiết bị quẹt thẻ (POS).
Hiện nay, một số NHTM đã thu phí rút tiền ATM nhưng với mức thu còn thấp, trong khi chi phí đầu tư của các NHTM đưa ra là rất lớn thì mức thu phí hiện nay mới chỉ giải quyết được một phần thôi.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) cho biết, tỷ lệ tiền mặt tăng đột biến trong tháng giáp Tết Nguyên đán và thường tập trung vào tháng 1 dương lịch. Thống kê nhiều năm qua cho thấy, bội chi tiền mặt tháng Tết bằng lượng bội chi cả năm. |
Quang Cảnh thực hiện