Nới room tại các ngân hàng: Sự thận trọng cần thiết
Bài toán khó cân bằng rủi ro và lợi ích
Một trong những mong đợi của NĐT tại Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán là sẽ có điều chỉnh room của NĐT ngoại đối với các NH. Tuy nhiên, trong các đối tượng điều chỉnh không có lĩnh vực NH. Điều này cũng đã gây thất vọng cho không ít NĐT. Vì thời gian qua, khá nhiều NĐT nước ngoài bày tỏ nguyện vọng được nới room tại các NH mà họ đang tham gia cũng như dự định tham gia. Nhưng theo đánh giá chung của một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, sự thận trọng trên là cần thiết.
Ảnh minh họa |
TS. Võ Trí Thành đưa ra quan điểm, mở cửa thị trường tài chính không chỉ là câu chuyện cần cạnh tranh, học hỏi giữa định chế tài chính nước ngoài với sự phát triển lớn lên của các NH trong nước mà còn là sự tương tác nội – ngoại liên quan đến vấn đề hội nhập sâu rộng, mở cửa tài khoản vốn, chu chuyển dòng vốn.
Theo kinh nghiệm thế giới, trong điều kiện bình thường thì mọi thứ đều suôn sẻ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu có biến động chắc chắn dòng vốn ngoại nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi đất nước đó ngay. Trong khi thông thường khả năng chống chịu vượt qua cú sốc của một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống NH, nhất là ở các nước đang phát triển.
Thực tế này đã xảy ra ở một số nước trên thế giới. Do để định chế tài chính nước ngoài chi phối hoàn toàn hệ thống tài chính NH, nên khi nền kinh tế có biến động, ngay lập tức NĐT ngoại rút chạy. Điều này đã tạo khoảng trống rất lớn và gần như nền kinh tế nước đó bị tê liệt.
TS. Thành cho biết thêm, ngay cả những nền kinh tế phát triển đầy đủ hơn Việt Nam thì mỗi nước có một cái nhìn rất khác nhau về mức độ mở cửa thị trường tài chính NH và cho phép sự tham gia của các định chế tài chính cũng rất khác nhau.
“Do đó, để cân bằng bài toán rủi ro và lợi ích trên không phải đơn giản, dễ dàng đối với Việt Nam. Nhất là sự tác động của hệ thống NH Việt Nam có mức độ lan tỏa rất lớn đối với nền kinh tế. Vì vậy, sự thận trọng của Việt Nam đối với vấn đề mở cửa thị trường tài chính là rất cần thiết”, TS. Thành nhận định.
Nhưng ông lưu ý, dù thận trọng nhưng cũng nên có chính sách linh hoạt, nhất là với những NH yếu kém cần xử lý nhanh. Song song với đó là gắn với việc cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ với sự phát triển của các NH Việt Nam.
Về vấn đề này, trong những cuộc gặp gỡ với các định chế tài chính nước ngoài, lãnh đạo NHNN bày tỏ quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động cũng như tham gia góp vốn tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp gỡ với đại diện MayBank mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia một cách mạnh mẽ vào quá trình tái cấu trúc các NH trong diện phải tái cơ cấu, yếu kém của Việt Nam. Đối với các NH đang hoạt động tốt và có sự tham gia của NĐT ngoại, lãnh đạo NHNN bày tỏ mong muốn các tổ chức tài chính tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa trong chia sẻ kinh nghiệm quản trị và đồng hành cùng NH trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH.
Nới room không phải là tất cả
Thực tế, không chỉ có những NH mà ngay cả những NH đang trong diện tái cơ cấu đang hoạt động tốt cũng nằm trong tầm ngắm của các NĐT ngoại. SCB là một điển hình. Sau một thời gian tái cơ cấu tích cực, trong đợt tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng diễn ra gần đây nhất của NH này đã có sự tham gia của NĐT nước ngoài. Theo tiết lộ của lãnh đạo NH này, đó là 2 quỹ đầu tư đến từ khu vực châu Á. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ của NH này đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài đang nắm giữ khoảng 15% vốn điều lệ.
“Với sự tham gia của NĐT nước ngoài trong giai đoạn tái cấu trúc sẽ hỗ trợ tích cực nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đồng thời, tạo tiền đề thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài trong tương lai cho NH”, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn chia sẻ.
Ngoài SCB, hiện tại NĐT ngoại đang nhắm đến một số NH đang trong diện tái cơ cấu để tham gia đầu tư. Đối với các NĐT nước ngoài, dù không còn là “mỏ vàng”, nhưng lĩnh vực NH Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nới room chỉ là một trong những yếu tố tạo lực hấp dẫn để NĐT ngoại đầu tư vào NH. Bởi, NĐT ngoại không dại gì đầu tư với bất kỳ giá nào vào NH tiềm năng tăng trưởng thấp, tính minh bạch không cao. Ngay cả khi đã trở thành đối tác chiến lược, nhưng nếu NĐT ngoại không còn tìm thấy khả năng sinh lời tại NH này, họ sẵn sàng thoái vốn. Vì quan điểm của NĐT là ở đâu kinh doanh có lợi nhuận cao thì họ ở lại, nếu không họ sẽ rút lui để chuyển vốn sang nơi kỳ vọng sinh lời cao hơn.
Do vậy, dù có tăng room lên bao nhiêu chăng nữa nhưng nếu hệ thống NH chưa hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn thì theo một số chuyên gia NH, các NĐT ngoại cũng không mạnh dạn nhảy vào lĩnh vực này. Nới room chỉ là một đòn bẩy để khuyến khích NĐT, điều quan trọng vẫn phải là “sản phẩm” (năng lực thực chất của NH – PV) tốt. Để có sản phẩm tốt, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến yếu tố vốn.
Theo TS. Hiếu, vốn tự có được coi là xương sống của một NH. Tất cả những quy định tại Basel I, II, III đều tập trung chủ yếu làm sao các NH có vốn phù hợp để có thể vận hành, chịu đựng được cú sốc, thua lỗ. Muốn bảo toàn vốn, vấn đề tối quan trọng trong ngành NH là hệ thống thông tin phải minh bạch, nhất là các báo cáo tài chính, tạo độ tin cậy cho các NĐT nước ngoài.