Bỏ “room” tín dụng: Cần thận trọng và có lộ trình cụ thể
Nới “room” tín dụng Nới “room” tín dụng: Áp lực lên lạm phát không lớn |
Ông đánh giá tác động của công cụ “room” tín dụng đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian qua?
Phải khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, công cụ room tín dụng đã phát huy rất tốt vai trò giúp NHNN điều hành một cách rất linh hoạt, có những tiêu chí rõ ràng để phân bổ tín dụng cho các nhà băng như dựa trên quy mô, chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định… Trong bối cảnh sức khỏe các ngân hàng còn phân hóa rõ nét, nếu không có công cụ này, cơ quan điều hành khó khăn hơn trong việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng. Không thể chắc chắn việc các nhà băng không chạy theo lợi ích để tăng trưởng tín dụng. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển tăng trưởng nóng, gây mất ổn định trong hệ thống, nguy cơ dẫn tới nợ xấu là rất lớn.
Bên cạnh đó, room tín dụng còn giúp NHNN kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Theo đó, lạm phát cũng được kiểm soát một cách chủ động, góp phần ổn định giá trị đồng tiền.
Có ý kiến cho rằng đã đến lúc nên bỏ công cụ “room” tín dụng, quan điểm của ông như thế nào?
Việc NHNN phải duy trì chính sách cấp hạn mức tín dụng từ năm 2011 cũng là xuất phát từ điều kiện thực tế của Việt Nam tăng trưởng tín dụng nóng, thiếu kiểm soát đã để lại hậu quả hết sức nặng nề như chạy đua lãi suất, nợ xấu tăng mạnh... Việc phải có “barie” tín dụng thời điểm đó là rất cần thiết.
Đến thời điểm này, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD còn dở dang và chắc vẫn tiếp tục kéo dài, phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực xử lý.
Sau nhiều năm được áp dụng cũng có những ý kiến đề xuất bỏ “room” tín dụng. Theo quan điểm của tôi, nên bỏ công cụ này nhưng phải thật sự cân nhắc một cách thận trọng về thời điểm. Cơ quan điều hành phải phân tích kỹ các yếu tố để tìm điểm cân bằng lợi ích và rủi ro.
Nếu muốn bỏ “room” tín dụng theo tôi, cần phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết. Thứ nhất là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát. Thứ hai là sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đồng đều, đảm bảo thực hiện tốt việc tái cơ cấu các TCTD, đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro như Basel II, III. Thứ ba, NHNN tăng cường năng lực để giám sát và can thiệp kịp thời trong vấn đề tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Thực tế tôi đang thấy NHNN đang có sự linh hoạt trong điều hành tín dụng. Chẳng hạn, trong năm nay, NHNN thay đổi cách thức phân bổ khi giao chỉ tiêu room tín dụng cả năm ngay từ đầu năm thay vì nhiều lần như những năm trước. Ngoài ra, NHNN cũng đã thay đổi khi NHNN chủ động giao chỉ tiêu tín dụng 1 lần ngay từ đầu năm và linh hoạt điều chuyển room tín dụng của ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu.
Trong dài hạn, để có thể bỏ công cụ “room” tín dụng, cần có những điều kiện gì, thưa ông?
Tuy có nhiều ý kiến đã đến lúc bỏ công cụ room tín dụng, nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh lại, việc này phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên điều kiện thực tế của Việt Nam. Và chắc chắn, NHNN phải có một lộ trình rất cụ thể và công bố công khai minh bạch. Khi bỏ room tín dụng, NHNN cần cân nhắc có một công cụ điều hành mang tính thị trường hơn thay thế.
Lộ trình bỏ room tín dụng cần song hành và tương ứng với việc tăng cường năng lực giám sát, can thiệp của cơ quan quản lý đối với tăng trưởng tín dụng trong hệ thống. Đồng thời cũng đi kèm với việc nâng cao “sức khoẻ” của hệ thống ngân hàng. Chính các ngân hàng phải tự nâng cao sức đề kháng, chứng minh được khả năng quản trị rủi ro tốt của mình. Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, giảm áp lực vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!