Nới room tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nới room ngoại: Đảm bảo hài hoà lợi ích |
Điều chỉnh phù hợp, kịp thời
Ngày 5/12/2022, NHNN chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD. Như vậy room tín dụng trong năm 2022 của toàn hệ thống có thể ở mức tối đa là 16%.
Quyết định này của NHNN được TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá là bước đi phù hợp khi áp lực lãi suất, tỷ giá đã dịu đi, thanh khoản hệ thống ổn định hơn, trong khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp giai đoạn cuối năm rất lớn. “Sự điều chỉnh này thể hiện cơ quan điều hành thực hiện đúng thông điệp: linh hoạt theo diễn biến thực tế để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Thành cho biết.
Lượng vốn tín dụng tăng thêm sẽ được hấp thụ nhanh vào sản xuất, kinh doanh |
TS. Nguyễn Hữu Huân -Trưởng bộ môn Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, tỷ giá gần đây liên tục sụt giảm, áp lực nhập khẩu lạm phát cũng vơi đi, NHNN có thêm dư địa để cân nhắc nới room tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhất là giai đoạn cuối năm doanh nghiệp rất cần vốn đầu tư nên việc NHNN nới room tín dụng sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, việc nới room tín dụng của NHNN rất kịp thời, giúp ngân hàng có thêm dư địa để cho vay, các doanh nghiệp được tiếp thêm vốn cho kinh doanh cuối năm.
Cũng có ý kiến lo ngại việc nới thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống có thể gây áp lực đối với lạm phát, thanh khoản… Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc nới room của NHNN tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm chỉ khoảng 200.000 tỷ đồng sẽ được hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…
Chung quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc chia sẻ, không quá lo ngại về lạm phát. Bởi ngay từ đầu năm NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ. Mặc dù không tăng nhiều về lãi suất điều hành nhưng cung tiền được quản lý rất chặt thông qua nhiều công cụ. Trong khi hiện có nhiều tín hiệu cho thấy áp lực lên lạm phát có xu hướng dịu lại, như tình hình thế giới có chuyển biến tích cực khi lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm mức độ tăng lãi suất... Cùng với việc nới room tín dụng, NHNN cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản cho các TCTD trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các NHTM, thậm chí qua tết Nguyên đán. “NHNN nới room tín dụng lần này cũng từ nền tảng tổng hòa của các yếu tố trên”, ông Bảo Ngọc nhìn nhận.
Mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro
Động thái nới room tín dụng của NHNN được đánh giá rất phù hợp nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này nên thực hiện sớm hơn. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Huân cũng rất chia sẻ với NHNN. Trong giai đoạn vừa qua, áp lực tỷ giá tăng, NHNN không thể nới room được vì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, lãi suất tăng... “NHNN chờ đợi thời cơ phù hợp, chấp nhận đánh đổi cơ hội tăng trưởng để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà tỷ giá là chốt chặn cuối cùng để đảm bảo mục tiêu này. Và ngay khi tỷ giá ổn định, NHNN đã nắm bắt thời cơ này để nới room tín dụng. Có thể nói, từ đầu năm đến nay, trước quá nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, điều hành tín dụng của NHNN rất hiệu quả, linh hoạt, phù hợp và bám sát với diễn biến của thị trường, nền kinh tế”, TS. Huân nhìn nhận.
Có thể nói, nới room tín dụng là mong muốn của các ngân hàng, nhưng Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, việc điều chỉnh room tín dụng trong giai đoạn hiện nay đối với NHNN không dễ dàng. Bởi vì NHNN đang chịu áp lực rất lớn từ nhiều yếu tố lạm phát, quản lý thanh khoản của hệ thống. Nhất là từ tháng 10 trở lại đây, thanh khoản của các TCTD khó khăn hơn. Do vậy, việc điều chỉnh room tín dụng lần này nhằm giải quyết nhu cầu bức bách về vốn, tránh việc ách tắc dồn toa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù là được nới room, nhưng đối với các TCTD điều quan trọng nhất là yếu tố thanh khoản, các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động, tránh tình trạng mặt bằng lãi suất huy động tăng.
Để đảm bảo nguồn vốn chảy vào nền kinh tế hiệu quả, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các TCTD cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng. Đồng thời, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn. Các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngày 6/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, TCTD hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung tín dụng cho ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng... |