Nóng chuyện hướng nghiệp
Năm 2014 có trường chỉ tuyển sinh được 10% - 20% chỉ tiêu. Năm nay khi mùa tuyển sinh đang cận kề, vấn đề chọn ngành chọn nghề đang được các tổ chức giáo dục, phụ huynh và các em học sinh cuối cấp phổ thông đặc biệt quan tâm.
Một góc không gian trưng bày hình ảnh các sinh viên trường nghề |
Tư tưởng về học nghề có chiều thay đổi tích cực
Theo báo cáo của một số trường đại học thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là rất cao, có trường lên tới 88% và dường như tình trạng cử nhân thất nghiệp không đáng lo ngại.
Thế nhưng, đặt những con số đáng quan tâm ấy sang một bên để nhìn nhận và khảo sát thực tế hiện nay thì lại có những câu chuyện đáng suy ngẫm.
Sinh viên ra trường không xin được việc vẫn rất nhiều khiến cho phụ huynh và học sinh lo ngại. Lúc này sự quan tâm của xã hội đến vấn đề học nghề đang được nhìn nhận nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Một phụ huynh tại TP. Hồ Chí Minh dù điều kiện gia đình hoàn toàn có thể nuôi con học 4 năm đại học hoặc lâu hơn nữa, nhưng thực tế xã hội đã nhìn nhận vấn đề học nghề là rất quan trọng và gắn với thực tế hơn. Vì vậy vị phụ huynh này đã thuyết phục con mình đăng ký học nghề thay vì gửi hồ sơ đi các trường đại học sau kỳ thi chung quốc gia sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 tới.
Còn Nguyễn Viết Khoa học sinh Trường trung học phổ thông Tiên Lữ - Hưng Yên thì dự định: “Em thấy các anh chị khóa trước học đại học xong thất nghiệp nhiều lắm. Sau khi tốt nghiệp em sẽ học ngành chăn nuôi và về mở trang trại. Trở ngại giờ của em là bố mẹ lại hướng em vào đại học vì lực học của em khá. Em từng là học sinh chuyên sinh trường chuyên Hưng Yên. Nhưng... em sẽ thực hiện dự định của mình”.
Các trường phổ thông năm nào cũng có chương trình hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp và cũng đã nhấn mạnh đến việc học nghề. Mùa tuyển sinh năm 2015 này, vấn đề ấy lại tiếp tục là chủ đề “nóng”.
Cuộc sống thực tế hiện nay là một “diễn đàn xã hội” lớn mà ở đó dư luận sẽ định hướng cho học sinh và phụ huynh về việc học nghề là hướng đi đúng. Tuy nhiên chọn nghề gì, chọn trường nào? lại là một câu hỏi không dễ gì trả lời.
Liên kết đào tạo nghề quốc tế - một hướng đi mới
Ngày 28/3 vừa qua, Đại sứ quán nước Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã tổ chức “Lễ hội Đức" tại trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Tại đây, ngoài việc mọi người có thể tìm hiểu các thông tin về 40 năm quan hệ song phương Đức - Việt, tham dự khóa học tiếng Đức miễn phí, thử các món ăn, đồ uống đặc trưng của nước Đức và tham gia các hoạt động như: giao lưu với cựu sinh viên Việt Nam tại Đức, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, tư vấn du học, trình diễn kịch, biểu diễn âm nhạc, chiếu phim… Thì điểm nhấn dễ dàng nhận thấy nhất trong ngày hội này là không gian rộng dành gần cả tầng 2 của tòa nhà trung tâm để trưng bày những bức ảnh sinh viên trường nghề đang thực hiện các thao tác kỹ thuật cơ khí và những kỹ sư đã thành công từ các ngôi trường đào tạo nghề.
Chị Giáp Thị Thanh Bình, Chánh văn phòng chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam cho hay: “Gian trưng bày này được rất nhiều người quan tâm. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm đến các bạn đặc biệt là các em học sinh cuối cấp phổ thông và phụ huynh là học đại học không phải là con đường duy nhất để các bạn thành công.
Các nước trên thế giới hiện nay họ định hướng điều này rất rõ ràng. Tùy khả năng và sở thích của mỗi em mà có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Tuy vậy cũng cần nắm rõ nhu cầu lao động của thị trường nữa. Ví như tại nước Đức, khoảng 10 năm trở lại đây dân số giảm khoảng 1 triệu người, sự thiếu hụt lao động trẻ cao.
Ước tính đến năm 2020 riêng ngành điều dưỡng viên ở Đức sẽ thiếu khoảng 40.000 lao động và nếu tính các ngành khác như cơ khí, thợ thủ công thì con số lên tới hàng trăm ngàn người”.
Hiện nay, Việt Nam được nhà nước Đức mở cửa để đón lao động sang học nghề và làm việc. Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động Việt Nam hướng đến ngang bằng với lao động của nước Đức. Sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề, học viên được cấp hai bằng của hai quốc gia.
Nguyễn Thị Bích Ngọc - giảng viên khoa cơ khí trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có mặt trong gian trưng bày này cho hay: “Sang tuần khoa cơ khí mình sẽ đi xuống các trường phổ thông để tổ chức ngày hội hướng nghiệp cho các em. Cơ khí là một ngành hiện nay đang cần những người có tay nghề kỹ thuật cao. Nếu các em học và làm tốt sẽ trở thành những kỹ sư giỏi và tiền đồ khá rộng mở”.
Khi được hỏi về thực trạng sinh viên ra trường xin vào các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhà tuyển dụng phải đào tạo lại. Cô có nhận định như thế nào? Cô Ngọc nói: “Việc học ở nhà trường các giáo viên chỉ cố gắng truyền tải cho các em kiến thức nền tảng. Cái chính là các em phải nỗ lực hàng ngày tự cập nhật thông tin về công nghệ để làm mới và nâng cao tay nghề cho mình. Trong cách đào tạo hiện nay chúng tôi hướng tới nâng cao tính chủ động của các em”.
Tuy nhiên nhiều bạn trẻ có mặt trong gian trưng bày này lại có ý kiến rằng: “Học nghề đúng là đi sát với thực tế hơn. Nhưng nhà trường cần thường xuyên đổi mới các thiết bị công nghệ để phục vụ việc giảng dạy. Bởi nhiều trường thiết bị dạy rất thô sơ. Trong khi ra trường các bạn phải tiếp xúc và làm việc ngay với những máy móc hiện đại”. Anh Nguyễn Bảo Cường, nhân viên viễn thông Hà Nội chia sẻ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo nghề (gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, phi chính quy, dạy nghề dưới 3 tháng và dạy nghề tại doanh nghiệp) chiếm khoảng 34% tổng số lao động trong cả nước.
Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với lao động Việt Nam cũng như công tác đào tạo nghề hiện nay.