Nước mắm độc hay không?
Tín hiệu vui cho nghề làm nước mắm | |
EU đăng bạ bảo hộ PDO cho nước mắm “Phú Quốc” |
Đáng chú ý hơn cả, kết quả kiểm nghiệm của VINASTAS còn cho biết gần 96% số mẫu nước mắm độ đạm cao nhiễm thạch tín, mức độ nhiễm thậm chí nhiều hơn số mẫu có độ đạm thấp. Asen trong nước mắm được cho là chủ yếu đến từ cá biển, nhiễm vào nước mắm trong quá trình sản xuất theo lối truyền thống.
Asen có trong nước mắm nguồn gốc từ cá biển, tồn tại trong hợp chất hữu cơ, tự đào thải qua đường bài tiết |
Ngay sau công bố của VINASTAS, nhiều nhà khoa học và ngay cả những bà nội trợ đã có những nghi ngờ về kết quả này. PGS-TS. Đặng Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, công bố này là “vô trách nhiệm” khi không nói rõ phòng thí nghiệm nào, có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật hay không...
Cùng băn khoăn về tính chính xác của công bố trên, theo PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết để có kết quả khảo sát các mẫu nước mắm được chính xác thì cần phải làm nhiều lần, nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt nhiều cơ quan phân tích khác nhau cùng làm các thí nghiệm. Nếu chỉ tiến hành một lần rồi đưa ra các con số trên thì chưa thể chính xác được.
Đề cập sâu hơn đến chuyện nước mắm nhiễm asen, một số chuyên gia thậm chí khẳng định thông tin về asen cũng không đầy đủ, rõ ràng, chính xác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, tạo dư luận không tốt. Theo ông Côn, hàm lượng asen trong cá là không cao, thường nằm trong ngưỡng cho phép. Hơn nữa, lượng nước mắm hàng ngày chúng ta ăn là rất ít, chỉ khoảng 10ml/ngày nên không đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, asen chỉ thực sự độc khi nó tồn tại ở dạng muối vô cơ, asen dạng này thì tích tụ trong cơ thể sẽ thay thế phospho trong tế bào và gây hại cho con người. Còn asen có trong nước mắm thì nguồn gốc là từ cá biển và tồn tại trong hợp chất hữu cơ, nên nó tự đào thải qua đường bài tiết.
Cùng băn khoăn về việc nước mắm nhiễm asen có độc hay không, chị Nguyễn Hoàng Yến (Trung Hòa, Hà Nội) phân tích, nhiều nước như Mỹ, Anh… đều cho phép nhập khẩu nước mắm của Việt Nam. Các thương hiệu nước mắm như Phú Quốc, Cát Bà… từ lâu đã được bày bán tại các siêu thị lớn tại các quốc gia này.
“Tôi tin chắc rằng nếu nhiễm độc như công bố thì nước mắm sẽ không có cửa vào các quốc gia này, bởi ở đó quy định khá chặt chẽ về các tiêu chuẩn an toàn trong thực phẩm. Người bán, nhập khẩu sẽ bị phạt rất nặng nếu vi phạm và đương nhiên trước khi đưa ra thị trường còn phải qua hệ thống kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ của nước sở tại rồi mới đến tay người tiêu dùng, nên tôi cho rằng kết quả VINASTAS công bố rất có vấn đề”, chị Yến nói.
Đề cập ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng VINASTAS “không có quyền” công bố những nội dung đó và điều này thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể là việc công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Còn nếu vì quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện ra vấn đề thì VINASTAS phải đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc xử lý.
Theo các chuyên gia, để đánh giá chất lượng nước mắm cần sự vào cuộc của những cơ quan có chuyên môn như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ Y tế. Đặc biệt, cần phải đi khảo sát các tỉnh sản xuất nước mắm để xem xét công nghệ, dây chuyền, chất lượng sản phẩm thực tế, chứ không nên dừng lại ở việc lấy các mẫu nước mắm mua tại các siêu thị, cửa hàng. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần phải biết lắng nghe, chắt lọc các luồng thông tin để lựa chọn loại mắm an toàn, phù hợp.
Thực tế trên thị trường có rất nhiều hãng sản xuất, thương hiệu nước mắm khác nhau và đương nhiên loại mắm ngon nhất là nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống, chỉ có cá và muối thì sẽ cao đạm và chất lượng tốt tới 20-30 độ đạm. Bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều loại nước mắm được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp chỉ có từ 1-5 độ đạm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 12/10 Đoàn Thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc...
Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố, nhãn mác đối với các sản phẩm nước mắm hiện hành, quy trình sản xuất, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và lấy mẫu để kiểm tra các chỉ số hoá học. Đây cũng sẽ là cơ sở để thanh tra toàn diện thị trường nước mắm trong thời gian tới.