Tín hiệu vui cho nghề làm nước mắm
Đây là nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho ngư dân nơi đây. Đến nay, trên địa bàn có trên 100 hộ sản xuất nước mắm và mỗi hộ mang một bí quyết riêng.
Gia đình chị Diệu duy trì và phát triển nghề nước mắm nhờ có nguồn vốn vay ngân hàng
Tuy nhiên gần đây, các DN, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn luôn đối mặt với một số khó khăn như: thiếu nguyên liệu, nguồn nhân lực, diện tích sản xuất, đầu ra đôi lúc bấp bênh, thiếu vốn đầu tư sản xuất. Trong khi đó, để sản xuất kinh doanh nước mắm đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn mới phát triển bền vững và cung cấp nhiều loại nước mắm có chất lượng cao ra thị trường.
Trước thực tế trên, thời gian qua bằng nhiều chính sách ưu đãi, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã mạnh dạn cho vay phát triển nghề làm nước mắm truyền thống của Nha Trang, từng bước tháo gỡ được những khó khăn bấy lâu nay, đưa làng nghề đi lên, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Diệu (phường Phước Long, TP. Nha Trang) - một hộ sản xuất nước mắm có thâm niên trên 30 năm cho hay, vợ chồng chị lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, không có vốn sản xuất, không có mặt bằng, nhưng gia đình quyết không để nghề bị mai một. “Tôi đã liên hệ với Agribank Nam Nha Trang để vay vốn sản xuất nước mắm và từ nguồn vốn này gia đình đã giữ được nghề, làm giàu cho mình và nhiều người khác”, chị Diệu cho hay.
Từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng, gia đình chị Diệu làm được gần 10 hồ sản xuất nước mắm. Đầu ra tương đối ổn định, tích lũy dần lợi nhuận, gia đình chị đã phát triển đến nay được 20 hồ, mỗi hồ chứa từ 15 - 17 tấn cá. Mỗi hồ nhỏ cho ra thành phẩm khoảng 1.200 lít nước mắm, hồ lớn trên 1.500 lít nước mắm với các độ đạm khác nhau. Chị Diệu thổ lộ, nghề làm nước mắm có lợi nhuận, trung bình mỗi năm lãi trên 200 triệu đồng, có những năm kiếm được cả tỷ đồng...
Với nguồn vốn vay được đã giúp việc sản xuất nước mắm hiệu quả và có tiền để trả tiền gốc và lãi đúng thời hạn, đến nay chị đã xây dựng được căn nhà khang trang, cơ sở sản xuất nước mắm bề thế và con cái đều học tập đến nơi, đến chốn. Năm 2014, chị Diệu đã vay 1 tỷ đồng để phát triển cơ sở sản xuất nước mắm, chị còn khát khao vay với số tiền nhiều hơn nữa để tiếp tục đầu tư vào nghề nước mắm.
Còn anh Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hoàng Sơn Nha Trang chia sẻ, gia đình có 3 đời làm nghề sản xuất nước mắm. Khi mới ra làm ăn lớn, DN gặp không ít khó khăn về nguồn vốn. Để giữ nghề truyền thống và đưa nước mắm Nha Trang đến với người tiêu dùng, hàng năm DN đã vay vốn của Vietcombank Khánh Hòa với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Với sự tiếp sức từ nguồn vốn của ngân hàng, DN đã xây dựng được cơ sở sản xuất nước mắm bền vững, hàng năm đều có lãi.
Khác với thời sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khi xưa, đến nay anh Sơn đã xây dựng được thương hiệu nước mắm Châu Sơn và cung cấp trên thị trường toàn quốc. Hiện tại, DN đã xây dựng được 50 hồ có sức chứa khoảng 600 tấn cá, mỗi năm trung bình cung cấp ra ngoài thị trường 600.000 lít nước mắm, sau khi trừ các khoản chi phí lãi trên 400 triệu đồng.
Công ty đã tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Sơn cho biết, nghề sản xuất nước mắm rất cần vốn để phát triển và giữ nghề. Những năm qua, nhờ có nguồn vốn từ các ngân hàng mà DN đã có cơ hội đi lên khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nói về vấn đề hỗ trợ vốn vay cho những khách hàng trong ngành sản xuất nước mắm, ông Phạm Hoàng Hiếu, Phó giám đốc Agribank Nam Nha Trang cho biết: Chính sách cho vay phục vụ phát triển sản xuất phát triển nghề nước mắm tỷ lệ rủi ro thấp, các hộ vay đều phục vụ đúng mục đích, trả nợ đúng thời hạn, trung bình mỗi hộ vay từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Riêng năm 2014 đã có 5 hộ vay, với số tiền 2,3 tỷ đồng và một DN vay 3 tỷ đồng. “Đây là tín hiệu vui cho nghề sản xuất nước mắm, chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các hộ sản xuất kinh doanh nước mắm vay vốn”, ông Hiếu cho hay.
M. Trung