Nước Nga mời gọi châu Á
Ảnh minh họa |
Vừa qua, công ty dầu khí nhà nước Rosneft đã đồng ý bán 15% cổ phần tại Vankor - khu vực dầu và khí đốt lớn nhất đã được tìm thấy và phát triển trong 25 năm qua của họ cho ONGC Videsh, một chi nhánh của công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ. Rosneft và ONGC không tiết lộ giá trị của thương vụ này, nhưng hãng tin Nga Interfax trích dẫn ONGC cho biết sẽ trả 1.275 tỷ USD.
Chịu gánh nặng nợ khổng lồ, giá dầu giảm và bị ngăn chặn bởi lệnh trừng phạt trong việc huy động vốn mới tại thị trường Phương Tây, công ty dầu mỏ và khí đốt lớn của Nga này đã chuyển hướng tìm kiếm các nhà đầu tư từ châu Á.
Ngay thời điểm đầu năm nay, Nga cho biết họ đã sẵn sàng để lần đầu tiên cấp phép cho các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát cổ phần thượng nguồn. Tuy nhiên, những cam kết mang tính chắc chắn hơn sẽ cần nhiều thời gian để thông qua.
Gần đây, Nga tăng cường thu hút đầu tư bằng cách mời hàng trăm giám đốc điều hành từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Á khác tới cuộc họp theo mô hình của Diễn đàn kinh tế truyền thống của họ tại St Petersburg, Moscow, với hy vọng sẽ thuyết phục các công ty châu Á đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và sản xuất tại vùng Viễn Đông rộng lớn với dân cư thưa thớt của mình.
Tại hội nghị này, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu: “Chúng tôi sẽ cung cấp những điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư hoạt động tại vùng Viễn Đông có thể cạnh tranh về hiệu quả và lợi nhuận trên vốn”. Ông cũng cam kết Rosneft sẽ đầu tư 1.300 tỷ Rúp (19 tỷ USD) vào khu vực này. Nhưng để thực hiện được điều đó, Rosneft vẫn đang tìm kiếm các đối tác.
Là một phần trong các thỏa thuận được công bố tại chuyến thăm của ông Putin đến Bắc Kinh vào thứ Năm tuần trước, Rosneft đã ký một thỏa thuận sơ bộ, đồng ý cho Công ty cổ phần Hóa dầu ChemChina có thể mua 51% cổ phần của Công ty hóa dầu Viễn Đông và trở thành cổ đông chi phối.
Rosneft và Sinopec (Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận cùng nhau phát triển ở Russkoye và Yurubcheno - Tokhomskoye, hai trong số các “lãnh địa” của Rosneft ở Siberia. Theo biên bản ghi nhớ, Sinopec có được 49% cổ phần trong các công ty con Rosneft giữ giấy phép thăm dò. Về phía Sinopec cũng đồng ý thỏa thuận để có cổ phần trong Sibur-Công ty hóa dầu lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn là sơ bộ. Một nguồn tin thân cận Sibur cho biết, công ty của Nga này có ý định sử dụng các quỹ để giảm nợ.
Ngoài ra, nhà sản xuất khí ga tự nhiên của Nga Novatek cũng có được sự trợ vốn từ Trung Quốc thông qua Quỹ con đường tơ lụa, khi Quỹ này đồng ý mua 9,9% cổ phần trong Yamal, một dự án khí thiên nhiên hóa lỏng có sự góp mặt của các cổ đông Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc.