Nuôi dưỡng những ước mơ thoát nghèo
Chuyển đổi nghề từ tín dụng ưu đãi
Sự xuất hiện của một khu du lịch có thể tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển, nhưng cũng đi liền với khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp mà người dân phải vượt qua. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Bình, cách đây hơn chục năm, sau khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo, gặp rất nhiều khó khăn để chuyển đổi ngành nghề, trong đó vốn là nỗi lo hàng đầu.
Cán bộ NHCSXH Quảng Bình luôn tận tâm, tận tụy với người dân |
Nắm rõ thực trạng trên, cùng với việc bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, NHCSXH huyện Bố Trạch đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo xã Sơn Trạch có được nguồn vốn phù hợp để làm kinh tế.
Tính đến cuối năm 2017, toàn xã Sơn Trạch có 258 hộ nghèo; 344 hộ cận nghèo và 89 hộ mới thoát nghèo. Dư nợ tín dụng của NHCSXH tại xã đạt trên 45 tỷ đồng. Bà con vay vốn NHCSXH chủ yếu đầu tư vào đóng thuyền du lịch, nuôi cá lồng, mở nhà hàng, quán ăn, bán đồ lưu niệm...
Anh Nguyễn Văn Phú, một trong những hộ vay mở rộng và phát triển du lịch từ vốn của NHCSXH cho biết: Trước đây, gia đình anh cũng đã mua một chiếc thuyền để đánh bắt cá trên sông Son. Ngoài ra, để phụ giúp thêm kinh tế gia đình, anh Phú còn đi làm thuê, làm mướn nhưng kinh tế gia đình vẫn bấp bênh và đời sống không ổn định.
"Từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới, tôi cũng đã vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH để đóng thuyền du lịch cộng với việc mở rộng nuôi cá lồng. Nên cuộc sống của gia đình tôi khá lên rất nhiều và bắt đầu có được khoản tiền tích góp đều đặn hàng tháng..."- anh Phú trải lòng.
Cũng ở xã Sơn Trạch, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Xanh đã được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi để mở một gian hàng bán đồ lưu niệm. Mỗi tháng, thu nhập của gia đình đạt từ 7 đến 10 triệu đồng.
Hiện nay, toàn xã Sơn Trạch có gần 700 hộ dân thì 312 hộ dân đang có dư nợ tại NHCSXH huyện Bố Trạch và có đến 90% hộ vay đầu tư phát triển kinh tế có liên quan đến du lịch. Đây được xem là một trong những nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng đối với công tác đầu tư phát triển du lịch tỉnh nói chung và việc phát triển kinh tế bền vững cho người nghèo, người còn khó khăn của xã Sơn Trạch nói riêng. Mỗi năm, xã Sơn Trạch có hàng chục hộ thoát nghèo và cận nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH.
Cựu chiến binh Lê Văn Soát (đứng thứ hai từ phải sang) là điển hình vay vốn xóa nghèo của xã Sơn Hóa |
Khi cựu chiến binh là hình mẫu giảm nghèo
Khác với Bố Trạch, huyện Tuyên Hóa lại có cách xóa nghèo mà ở đó, các cựu chiến binh (CCB) là những “đầu tàu” trong phong trào này. Về xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, mọi người nhắc đến CCB Lê Văn Soát như một hình mẫu giảm nghèo bền vững.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Soát lên đường nhập ngũ, sang chiến trường Lào, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, năm 1984 lập gia đình với hai bàn tay trắng. Khi xây dựng gia đình, có con cái cuộc sống gia đình thêm bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhưng vốn là một người bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, với những trăn trở quyết tâm vượt lên nghèo khó, ông Soát đã quyết tâm phát triển chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện cuộc sống.
Vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo năm 2013 của NHCSXH, nhưng năm 2015 đã hoàn trả hết số tiền vay, cuộc sống khấm khá hơn trước.
Không chỉ dừng lại ở đó, gắn bó lâu năm với sản xuất nông nghiệp, ông Soát hiểu những giá trị tiềm năng từ đồng đất mang lại. Suy nghĩ đó càng thôi thúc người cựu chiến binh hơn nữa để giữa năm 2015 ông lại mạnh dạn vay tiếp 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cộng với số vốn tích luỹ có được phát triển kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi.
Đến nay, gia đình ông Soát đã có gia tài 25 con bò, ao cá rộng cùng 2ha rừng tràm. Ngoài ra, việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, xay xát gạo, gặt lúa cũng "thuận buồm xuôi gió" mỗi năm mang lại lợi nhuận tới cả 100 triệu đồng. Không những bản thân thoát nghèo, vợ chồng ông Soát giúp đỡ nhiều hội viên CCB khác có việc làm ổn định và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những câu chuyện kể trên đã phần nào minh chứng cho nỗ lực của NHCSXH tỉnh Quảng Bình cùng hệ thống chính trị đã góp phần giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Theo kết quả cho thấy, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đến hết năm 2017 đã đạt 2.760 tỷ đồng với hơn 83 ngàn hộ vay, bình quân mỗi hộ có dư nợ là 33,2 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Quảng Bình thực hiện đã góp phần giúp cho 7.703 hộ thoát ngưỡng nghèo, 73.158 hộ có đời sống cải thiện hơn trước, 44.530 hộ nghèo đã chuyển biến nhận thức, thu hút và tạo việc làm cho hơn 1.671 lao động, 4.396 lượt hộ nghèo, 5.515 lượt hộ cận nghèo, 1.949 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 1.769 lượt hộ gia đình được vay vốn để lo cho con đi học; 7.781 hộ gia đình được vay vốn để sửa chữa và xây mới công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 796 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, 151 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt...
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình - ông Trần Văn Tài cho rằng, với sự nỗ lực cao hơn nữa, hoạt động tín dụng chính sách năm 2018 sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Để mỗi năm nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo của địa phương có thể tự hào và ngẩng cao đầu là giảm bền vững, cuộc sống của người nghèo mỗi ngày thêm no đủ từ những sinh kế đầu tư bài bản, dài hạn.