OPEC cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ đi lên
Giá năng lượng tại thị trường thế giới ngày 29/9/2016 | |
OPEC tự tin giá dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ |
Từ bỏ cạnh tranh thị phần
Đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua, OPEC đã đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho dù từ năm 2014, Ả Rập Saudi - nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC - đã liên tục kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ thành viên cần cắt giảm bớt sản lượng để phục hồi giá dầu.
Lần đầu tiên kể từ năm 2008, các thành viên OPEC đạt được đồng thuận cắt giảm sản lượng |
Ngay sau khi thông tin về thỏa thuận trên được công bố, giá dầu WTI tại thị trường New York đã bật tăng trên 5%, đạt mức 47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London cũng bật tăng mạnh khoảng 6,5%, lên mức 48,96 USD/thùng. Cổ phiếu của Exxon, công ty dầu khí niêm yết lớn nhất thế giới cũng đã tăng tới 4,4%, một mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 vừa qua.
Giới phân tích nhận định, thỏa thuận này sẽ có ảnh hưởng vượt ra OPEC. Bởi điều này làm bừng sáng triển vọng cho ngành công nghiệp năng lượng, từ gã khổng lồ Exxon Mobil Corp cho tới các công ty khai thác dầu mỏ từ đá phiến ở Mỹ, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga và Ả Rập Saudi khi sản lượng cung ít đi nhưng lợi nhuận vẫn được giữ nguyên, thậm chí tăng lên do giá dầu phục hồi.
Thế nhưng, đây lại là tin không mấy vui với người tiêu dùng, bởi nó cũng có nghĩa là nếu giữ mức tiêu thụ xăng dầu hiện tại, họ sẽ bị móc hầu bao ra nhiều hơn khi giá cao hơn.
Sở dĩ thỏa thuận này đạt được vì Iran sẽ được “miễn” phải đóng băng sản lượng. Đây được xem là một sự nhượng bộ lớn của Ả Rập Saudi - nước cung ứng sản lượng chi phối của tổ chức này.
Trước đây, Ả Rập Saudi luôn xem việc Iran phải đóng băng sản lượng là yêu cầu tiên quyết nếu muốn cắt giảm sản lượng trong khi Iran liên tục nhấn mạnh họ sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm nào cho tới khi lấy lại được thị phần (ở mức sản lượng khoảng 4 triệu thùng/ngày như thời điểm trước khi Iran bị cấm vận).
Tuy nhiên, đây mới là thỏa thuận sơ bộ và mang tính tổng thể. Còn rất nhiều chi tiết cần được làm rõ và OPEC chắc chắn sẽ chưa thể quyết định mức sản lượng cụ thể cho mỗi quốc gia thành viên cho đến cuộc họp tiếp theo của tổ chức này dự kiến vào cuối tháng 11 tới.
Giả định trong thời gian tới, mức cung từ khu vực OPEC ở mức 32,5 triệu thùng/ngày thì điều này cũng có nghĩa, lượng cung dầu của OPEC ra thị trường sẽ khoảng 750.000 thùng/ngày so với mức cung hiện hành mà OPEC công bố vào tháng 8.
"Đây là mức cắt giảm lớn. Và điều quan trọng hơn nhiều là động thái này cho thấy, Ả Rập Saudi sau thời gian chạy đua để nắm giữ thị phần đang bắt đầu quay trở lại trong vai trò điều tiết thị trường" - Mike Wittner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Societe Generale nhận định.
Thỏa thuận này cũng báo hiệu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran. Từ năm 2014 đến nay, hai nước chiếm thị phần lớn trong OPEC này luôn ở thế đối đầu về chính sách dầu mỏ cũng như cả trong vấn đề nội chiến ở Syria và Yemen (mỗi nước ủng hộ các phe phái đối lập nhau trong các cuộc nội chiến này).
Do đó, thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy, Riyadh và Tehran - thông qua sự trung gian của Nga, Algeria và Qatar - đã có thể vượt qua những bất đồng để cùng phối hợp điều tiết nguồn cung dầu mỏ tốt hơn, thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh thị phần như trước đây.
“Chúng tôi đã quyết định sẽ giới hạn sản lượng của OPEC chỉ ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày và căn cứ vào đó để phân chia giữa các nước thành viên” - những lời đẹp đẽ này từ Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho thấy các thành viên chủ chốt trong OPEC dường như đang có cái nhìn cùng chiều hơn về tương lai.
Giá dầu chưa chắc tăng mạnh trở lại
Hiện OPEC chiếm khoảng 40% thị phần cung dầu mỏ của thế giới. Do đó, nhiều kỳ vọng cho rằng việc OPEC giảm sản lượng như thỏa thuận vừa qua có thể khiến giá dầu mỏ tăng mạnh. Tuy nhiên cũng có nhiều phân tích cho rằng, do tình trạng dư cung còn quá lớn nên điều này sẽ khó xảy ra.
Đơn cử theo dự báo của Ian Taylor, Giám đốc Vitol Group BV - hãng buôn dầu lửa lớn nhất thế giới, thị trường dầu thô có thể vẫn trong tình trạng dư cung cho đến năm 2018, trừ khi các nước sản xuất cắt giảm mạnh cung dầu ra thị trường. “Bởi thế tôi không nhìn thấy cơ sở thuyết phục nào cho thấy giá dầu thô sẽ tăng đáng kể trong bối cảnh thị trường vẫn dư cung”, Taylor cho biết.
Nhìn dưới góc độ đó, việc Ả Rập Saudi tỏ ý nhượng bộ để có thể đi tới những thỏa thuận như vừa qua không chỉ cho thấy nước này muốn nhấn nhiều hơn đến điều tiết giá dầu (thay vì chỉ chạy theo nắm giữ thị phần như trước đây bằng cách xuất khẩu nhiều hơn nhưng lợi nhuận thu được lại ít đi) mà còn là biểu hiện cho thấy các nhà xuất khẩu dầu lớn đã phải nếm trải nỗi đau kinh tế khi giá dầu giảm.
Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này hiện đang đối mặt với thâm hụt ngân sách kỷ lục trong năm nay, với dự trữ ngoại hối giảm mạnh và thậm chí trong tuần này đã phải tuyên bố sẽ ngừng thanh toán tiền thưởng cho bộ máy cán bộ công chức.
Vấn đề OPEC đối mặt hiện nay là sau khi có thỏa thuận sơ bộ này thì ngoài việc phải đạt được thỏa thuận chi tiết về thị phần của từng thành viên trong tổ chức, họ còn phải làm sao thuyết phục được các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn khác ngoài OPEC – như Nga – cũng phải đồng lòng cắt giảm sản lượng của mình, thay vì nhân cơ hội này để gia tăng thị phần.
Đây là điều không phải dễ dàng. Đơn cử như Nga, ước tính sơ bộ nước này đã đạt tới sản lượng cung dầu 11,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9 vừa qua, tăng 400 nghìn thùng/ngày so với tháng 8.
Bob McNally, nhà sáng lập công ty tư vấn dầu mỏ Rapidan Group có trụ sở tại Washington cho rằng, OPEC đang một lần nữa cho thấy họ đang muốn điều tiết tâm lý thị trường bằng “lời nói”. Việc các cam kết vừa qua sẽ được thực hiện bằng các hành động cụ thể như thế nào thì chỉ có thời gian mới trả lời được, nhưng chắc chắn là sẽ không dễ dàng.