OPEC và IEA khuyến cáo về tình trạng dư cung dầu
Ảnh minh họa |
Ông Abdullah al-Badri cho hay tổ chức này có thể cân nhắc thực hiện “các biện pháp khác” nữa nhằm chấm dứt tình trạng nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ quốc tế.
Trong một phát biểu mới đây, ông Abdullah al-Badri cho hay thỏa thuận “đóng băng” sản lượng giữa Saudi Arabia, Nga, Venezuela và Qatar hồi tuần qua chỉ là bước khởi đầu. Ông
al-Badri cũng thừa nhận rằng OPEC đã không dự liệu được kịch bản giá dầu giảm quá mạnh kể từ khi tổ chức này cuối năm 2014 quyết định không cắt giảm sản lượng mặc dù tình trạng dư cung gia tăng, chủ yếu do sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp dầu khí đá phiến của Mỹ.
Ông Abdullah al-Badri nhận định rằng chu kỳ này rất đáng ngại và cho biết, OPEC cũng tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Brazil, Trung Quốc, Oman và Mexico về một khả năng “đóng băng” không tăng sản lượng.
Tuy vậy, ông Abdullah al-Badri cũng cảnh báo rằng khi giá dầu tăng trở lại lên khoảng 60 USD/thùng, các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ lại nhanh chóng tăng sản lượng khai thác, qua đó hạn chế đà tăng của giá dầu.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 khi hiệu quả sản xuất được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng giá dầu thấp hiện nay có thể buộc các nhà sản xuất dầu của Mỹ phải cắt giảm mạnh sản lượng trong năm 2016 và 2017. Ước tính sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm nay và tiếp tục giảm 200.000 thùng/ngày trong năm 2017.
Trong báo cáo về triển vọng năng lượng trung hạn, IEA dự báo: sau khi sụt giảm trong năm 2016 và 2017, sản lượng dầu của Mỹ có thể tăng lên mức 14,2 triệu thùng/ngày. Giám đốc IEA Fatih Birol nhận định hoạt động khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ hồi sinh sẽ hạn chế đà phục hồi của giá dầu trong những năm tới. Giá dầu được dự báo ở mức 80 USD/thùng vào năm 2020.
Trong 20 tháng qua, dầu thô thế giới đã để mất khoảng 70% giá trị, trong bối cảnh thị trường "ngập lụt" trong tình trạng dư cung. Nguồn dầu đá phiến của Mỹ là "đối tượng" chính được nhắm đến trong quyết định khai thác dầu thô hết mức có thể nhằm giành giật thị trường của OPEC hồi cuối năm 2014.
IEA dự báo nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ tăng thêm khoảng 4,1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2015-2021, so với mức tăng 11 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2009-2015. Trước đó, IEA nhận định giá dầu thế giới không thể tăng lên (từ mức dưới 35 USD/thùng hiện nay) trước năm 2017 và thậm chí khi đó mức độ tăng của nhiên liệu này sẽ diễn ra chậm chạp vì lượng dầu dự trữ trên thế giới vẫn dồi dào.