Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt tối thiểu là 6,7%
Chỉ số PMI giảm mạnh xuống còn 51,6 điểm trong tháng 3/2018 | |
Hai kịch bản tăng trưởng năm 2018: Quý I có mức tăng trưởng cao nhất | |
GDP quý 1 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm, nhờ công nghiệp - dịch vụ |
Công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những động lực của tăng trưởng |
8 điểm nhấn nổi bật
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2018 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017.
Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017
Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể.
Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2017 (quý 1/2017 tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.
Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).
Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, như mặc dù số DN thành lập mới có mức tăng thấp hơn cùng kỳ; trong khi số DN găp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động và giải thể lại vẫn tăng. Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước cũng tăng thấp hơn cùng kỳ, và thấp hơn các khu vực khác.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao. Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước…
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.
Phấn đấu tăng trưởng đạt tối thiểu 6,7%
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Bảo đảm vốn tín dụng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng và tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất. Tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng; đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Kiểm soát chặt chẽ các giao dịch tiền ảo, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng cho bất động sản và chứng khoán... |
Thông tin về các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 02 kịch bản. Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.
Kịch bản 2: Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%. Đây là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.
"Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trên tinh thần đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được mà cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chị thị 240 của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương.
Đồng thời phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
“Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trên các lĩnh vực: Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính...”, Bộ trưởng Dũng thông tin thêm.