Phát triển du lịch góp phần bảo tồn di sản
Di sản Cố đô Huế: Trùng tu và bảo tồn | |
Khi cảnh quan không còn |
Trên địa bàn TP. Hội An, hiện có 1.429 di tích các loại. Trong đó, chỉ tính riêng ở khu vực phố cổ gồm 1.130 di tích, chủ yếu các công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở. Do tác động của thời gian và nhiều yếu tố khác, đến nay một số di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Du lịch phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy các di sản |
Theo đại diện UBND TP. Hội An, cứ trung bình mỗi năm có khoảng 10 di tích được lập dự án đưa vào danh sách tu bổ. Năm nhiều hơn như 2016 có đến 18 di tích trên địa bàn được tiến hành trùng tu với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Để có khoản kinh phí tu bổ, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, thì nguồn kinh phí từ việc tham quan phố cổ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thực tế, những năm gần đây ngành “công nghiệp không khói” ở Hội An phát triển khá ấn tượng, lượng du khách đến địa phương ngày càng tăng. Năm 2016, phố cổ chứng kiến số lượng khách tăng kỷ lục vượt ngưỡng con số 2,6 triệu lượt.
Trong đó, số khách mua vé tham quan phố cổ đạt gần 1,6 triệu lượt, doanh thu khoảng 170 tỷ đồng. Số tiền thu được từ bán vé phần lớn được nộp ngân sách. Từ đó, quay lại đầu tư cho phố cổ như trùng tu di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể, hạ tầng... Theo thống kê từ năm 2000 đến nay, hơn 80 tỷ đồng từ nguồn bán vé tham quan đã được chi cho các hoạt động bảo tồn di tích trên địa bàn Hội An.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hội An, những năm gần đây chính quyền địa phương luôn xác định bảo tồn di sản phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Bởi vậy, trong công tác nghiên cứu, quản lý, tu bổ di sản văn hóa đều gắn với mục tiêu này, xem đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau.
Thực tế, hiệu quả từ việc tu bổ di tích mang lại không chỉ giúp các di tích an toàn hơn mà còn tạo điều kiện để phát huy giá trị di sản, quay trở lại phục vụ việc phát triển du lịch ở địa phương.
Mới đây, tại hội thảo quốc tế về “Bảo tồn di tích và phát triển du lịch”, do Đại học Đông Á cùng với Viện Nghiên cứu CNRS và Đại học Charles de Gaulle. Lille 3 (Pháp) tổ chức, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương luôn xem phát triển du lịch là cơ sở bảo tồn di sản.
Theo đó, Quảng Nam có nhiều ưu thế về thiên nhiên đa dạng, di sản văn hóa, truyền thống lịch sử đặc sắc… trở thành tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tổng lượt khách tham quan lưu trú năm 2016 đạt 4,36 triệu lượt, gấp 1,7 lần so với năm 2011, tốc độ tăng bình quân của ngành du lịch đạt 11,36%/năm, thu nhập xã hội từ du lịch năm 2016 đạt 7.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011, chiếm khoảng 8,5% trong tổng GDP toàn tỉnh. Công tác quản lý, bảo tồn di tích đã được xã hội hóa, ý thức bảo tồn di sản của người dân và du khách rất tích cực.
Đặc biệt, người dân địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng tu sửa các di tích thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều công trình thuộc sở hữu tập thể như đình, chùa, lăng miếu,… sau khi tu bổ xong, đã được trả về với cộng đồng theo chức năng phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương.
Tương tự, khẳng định những hiệu quả khi kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn các di sản, GS. Lê Hữu Khóa - Đại học Charles de Gaulle. Lille 3 cũng đã chỉ ra những mâu thuẫn và cơ hội trong việc bảo tồn di tích và phát triển du lịch. Theo GS. Khóa, toàn cầu hóa đem đến cho ngành du lịch cơ hội mở cửa để giới thiệu văn hóa, cảnh quan địa phương đến du khách thập phương tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.
Cùng với những giá trị bản sắc mang tính tiềm năng được khai thác phục vụ du lịch, du lịch bền vững cũng yêu cầu sự tôn trọng con người, văn hóa, kinh tế địa phương, thiên nhiên và di tích của những người thụ hưởng trực tiếp là các du khách...